Vingroup huy động khoảng 78.000 tỉ đồng trong năm 2023
Báo cáo cập nhật của CTCK VietCap (VCI) mới đây thông tin, Vingroup (VIC) đã huy động được khoảng 78.000 tỉ đồng trong năm 2023 (khoảng 3,25 tỉ USD). Số tiền này không bao gồm các khoản vay hạn mức tín dụng.
VIC đã công bố KQKD năm 2023 với doanh thu 161,6 nghìn tỷ đồng (+59% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 2,06 nghìn tỷ đồng (-77% YoY), lần lượt hoàn thành 91% và 100% dự báo cả năm của chúng tôi. Chúng tôi dự báo sẽ không có thay đổi đáng kể đối với dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2024 của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Lợi nhuận ròng năm 2023 của VIC chủ yếu được hỗ trợ bởi 1) mảng BĐS và cho thuê bán lẻ tăng trưởng tốt và 2) khoản thu nhập khác đến từ khoản tài trợ 20.6 nghìn tỷ đồng cho VinFast (Nasdaq: VFS) của Chủ tịch HĐQT trong năm.
Mảng khách sạn nghỉ dưỡng: KQKD cải thiện YoY trong năm 2023, phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Doanh thu năm 2023 của mảng này đạt 8,96 nghìn tỷ đồng (+33% YoY) và lỗ từ HĐKD là 4,9 nghìn tỷ đồng, so với khoản lỗ 5,9 nghìn tỷ đồng trong năm 2022.
Mảng công nghiệp: Doanh thu năm 2023 của mảng (28,4 nghìn tỷ đồng; +2,2 lần YoY) và lỗ từ HĐKD (33,5 nghìn tỷ đồng) vượt dự báo của chúng tôi lần lượt là 17% và 14%, chủ yếu là do lượng bàn giao xe điện nhiều hơn trong quý 4/2023 so với dự báo của chúng tôi (VinFast đã bàn giao hơn 34.800 chiếc xe điện vào năm 2023 so với dự báo của chúng tôi là 30.000 chiếc).
Huy động vốn: Theo ban lãnh đạo, VIC đã huy động được khoảng 78 nghìn tỷ đồng trong năm 2023 (không tính các khoản vay hạn mức tín dụng), bao gồm (1) 239 triệu USD của VFS thu được từ SPAC, và khoản đầu tư từ nhà đầu tư chiến lược Gotion Inc., (2) khoản tài trợ từ Chủ tịch HĐQT (20.6 nghìn tỷ đồng trong năm 2023), (3) phát hành trái phiếu mới (15,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong nước và 250 triệu USD trái phiếu hoán đổi) và (4) các khoản vay. Ngoài ra, VIC còn được các ngân hàng thương mại cấp hạn mức tín dụng tổng cộng 70 nghìn tỷ đồng tính đến cuối năm 2023.
Theo ban lãnh đạo, VIC tiếp tục tìm kiếm các phương án huy động vốn khác nhau, bao gồm (1) thị trường trong nước (phát hành trái phiếu và vay ngân hàng), (2) huy động khoản vay quốc tế, (3) thị trường vốn quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ đối với VFS, (3) khoản tài trợ của Chủ tịch (bao gồm số tiền thu được từ việc bán cổ phiếu VFS sắp tới) và (4) cơ cấu lại một số tài sản.
Dư nợ: Tính đến cuối năm 2023, tổng nợ của VIC đạt 213 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ bằng USD chiếm 42,2%. Các khoản nợ đáo hạn trong vòng 12 tháng bao gồm (1) các khoản vay ngân hàng tái tục 36,7 nghìn tỷ đồng, và (2) trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay khác trị giá 77,7 nghìn tỷ đồng (trong đó, theo ban lãnh đạo, khoảng 45% được đảm bảo cho tái cấp vốn và khoảng 35% đang đàm phán tái cấp vốn).
Không tính VHM và VRE, các khoản vay và trái phiếu dài hạn của VIC sẽ đáo hạn trong vòng 12 tháng tính đến cuối năm 2023 là 66,6 nghìn tỷ đồng, trong đó trái phiếu doanh nghiệp là 52 nghìn tỷ đồng (bao gồm 1.3 tỷ USD từ ba trái phiếu có thể hoán đổi với quyền mua lại trong vòng 12 tháng cùng với quyền chuyển đổi thành cổ phiếu niêm yết) và các khoản vay hợp vốn là 13 nghìn tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận