Vinaplast: Vì sao chưa minh bạch thông tin?
Biến động lớn về số liệu tài chính, cũng như việc kiểm toán không được tiếp cận thông tin, tài liệu đầy đủ dẫn tới có ý kiến ngoại trừ là những điểm nhà đầu tư e ngại tại Công ty cổ phần Nhựa Việt Nam - Vinaplast (mã VNP - UPCoM), đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp này đang chuẩn bị được Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn.
Nhập nhèm số liệu là căn bệnh kinh niên ở Vinaplast khiến không ít cổ đông bức xúc. Ðơn cử, năm 2018, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vinaplast tăng từ 2,8 tỷ đồng lên 39,6 tỷ đồng sau kiểm toán. Năm 2019, báo cáo tài chính tự lập của Vinaplast lại ghi nhận lỗ sau thuế hợp nhất 1,2 tỷ đồng.
Cụ thể, báo cáo tài chính quý IV/2019 hợp nhất vừa công bố của Vinaplast cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 24,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc giá vốn hàng bán chiếm tỷ trọng lớn (đạt 21,5 tỷ đồng), lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết giảm (đạt 5,5 tỷ đồng) và các chi phí đều tăng dẫn đến lợi nhuận trước thuế âm 8,9 tỷ đồng, sau thuế âm 10,1 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2019, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Công ty âm 1,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2018 lãi 39,6 tỷ đồng.
Việc Vinaplast đã từng báo cáo “nhầm” số liệu kinh doanh khiến không ít nhà đầu tư e ngại.
Thực tế, đầu năm 2019, Vinaplast đã phải giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về sự chênh lệch giữa báo cáo do Công ty lập so với báo cáo kiểm toán, khiến lợi nhuận trên báo cáo tự lập giảm đáng kể so với báo cáo của kiểm toán.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính Công ty mẹ năm 2018, lợi nhuận sau thuế đạt 12,5 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán tăng lên 22,3 tỷ đồng.
Theo đó, lợi nhuận trên báo cáo hợp nhất kiểm toán tăng lên mức 39,6 tỷ đồng, thay vì con số 2,8 tỷ đồng như tại báo cáo tự lập.
Giải thích cho sự chênh lệc này, Vinaplast cho biết là do có sự nhầm lẫn trong quá trình tổng hợp số liệu và chủ yếu là điều chỉnh chi phí dự phòng nợ khó đòi.
Sự lèm nhèm về số liệu và hoạt động của doanh nghiệp còn thể hiện ở việc Công ty TNHH Kiểm toán và dịch vụ tin học TP.HCM đưa ra ý kiến ngoại trừ về khoản đầu tư của Vinaplast vào Công ty cổ phần Nhựa Vân Ðồn.
Theo giá trị ghi sổ khoản đầu tư này là 16,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán không được tiếp cận với thông tin tài chính và báo cáo tài chính niên độ 2018 đã được kiểm toán của Công ty Nhựa Vân Ðồn nên không thể xác định có cần thiết phải điều chỉnh sự suy giảm giá trị khoản đầu tư này hay không.
Vinaplast được cổ phần hóa từ Công ty Nhựa Việt Nam, có lợi thế nắm giữ một số khu đất vàng ở Hà Nội và TP.HCM như tòa nhà 39 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (trụ sở cũ, hiện đang cho thuê với thời hạn 50 năm); dự án tại 360 Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (góp vốn 21 tỷ đồng hợp tác với Công ty cổ phần Nhựa Thăng Long); khu đất 300B Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4, TP.HCM…
Vinaplast góp vốn liên doanh - liên kết vào 3 công ty là Công ty Nhựa Vân Ðồn, Công ty TNHH Liên doanh Việt Thái Plaschem, Công ty TNHH Nhựa và hóa chất TPC Vina. Trong đó khoản đầu tư lớn nhất là vào Công ty TPC Vina với số tiền 89,7 tỷ đồng.
Ðiều khá khó hiểu cho việc không minh bạch ở Vinaplast là trong cơ cấu cổ đông của Công ty có những tổ chức chuyên nghiệp.
Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2019, Vinaplast có cổ đông lớn là SCIC nắm giữ 65,85% vốn điều lệ. Cùng với đó là tình trạng đầu tư chéo. Vinaplast đầu tư vào Nhựa Vân Ðồn hơn 16 tỷ đồng, còn Nhựa Vân Ðồn lại sở hữu 5,87% vốn tại Vinaplast.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận