Vietranstimex và Goldwind hợp tác phát triển ngành năng lượng điện gió
Hai bên hướng tới kế hoạch "tăng hiệu quả cho khu vực gió thấp" thông qua việc đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm công nghệ mới.
Mới đây, Công ty cổ phần vận tải đa phương thức Vietranstimex (VTT) - doanh nghiệp vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng tại Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Goldwind - một trong những doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ và thiết bị điện gió trên thế giới. Ông Bùi Quang Liên - Tổng giám đốc Vietranstimex chia sẻ những thông tin hữu ích xoay quanh các giá trị được tạo dựng từ sự hợp tác này.
Trong năm 2021, chúng tôi ký hợp đồng vận chuyển với một số chủ đầu tư, tổng thầu và các dự án này đều sử dụng thiết bị tuabin do Goldwind cung cấp. Qua nhận định của các chủ đầu tư và thực tế đánh giá của Goldwind đối với khả năng cung cấp và chất lượng dịch vụ của Vietranstimex hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về vận chuyển và lắp đặt thiết bị theo các tiêu chuẩn quốc tế của Goldwind.
Mặt khác chúng tôi đang là một trong những đơn vị vận chuyển hàng đầu khu vực Đông Nam Á với mạng lưới hoạt động rộng khắp các nước trong khu vực nên thuận lợi trong việc kết nối tới các nhà phát triển, chủ đầu tư các dự án tại khu vực Đông Nam Á.
Chúng tôi đánh giá thiết bị tuabin do Goldwind chế tạo có chất lượng tốt, thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới và được các chủ đầu tư dự án đánh giá cao. Do vậy hai bên đã hướng tới việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược để phối hợp cung cấp các dịch vụ trọn gói từ tiếp nhận - vận chuyển - lắp đặt để tăng cường và đảm bảo tiến độ, chất lượng dịch vụ tới người sử dụng là các chủ đầu tư dự án. Đây cũng chính là chiến lược mà cả hai bên hướng tới nhằm căn cứ thế mạnh của mình, thông qua việc hợp tác để phát huy lợi thế, cùng tận dụng cơ hội thị trường để khai thác tốt nhất tiềm năng, đẩy mạnh tăng trưởng, đa dạng hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh trên thị trường đối với sản phẩm và dịch vụ của hai bên.
Hai bên đều hướng tới kế hoạch "tăng hiệu quả cho khu vực gió thấp" thông qua việc Goldwind đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các dòng tuabin GW165-5.2/5.6, cánh dài 81m, có công suất từ 5,2MW tới 5.6MW phù hợp với các điều kiện địa lý của các dự án điện gió trên bờ. Bên cạnh đó là dòng tuabin GW175-6.0, cánh dài 86m, với công suất lên tới 6MW, nhằm tận dụng tiềm năng và thế mạnh khai thác năng lượng gió dưới biển của các dự án gần bờ nearshore, ở các tỉnh ven biển Việt Nam.
Để đảm bảo việc triển khai kế hoạch vươn khơi này, chúng tôi đang tập trung đầu tư mới các xà lan công suất lớn (7.000 tấn đến 15.000 tấn), thiết bị nâng có tải trọng lớn, các kỹ thuật lắp đặt mới và đẩy mạnh công tác đào tạo, vận hành đối với đội ngũ cán bộ kỹ thuật lành nghề đáp ứng việc thi công các dự án gần bờ do Goldwind cung cấp thiết bị.
- Kế hoạch triển khai đối với Đông Nam Á nói chung thì sao, thưa ông?
Đối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Goldwind cũng đang tập trung nghiên cứu nâng cao hiệu suất khai thác, tăng cường công suất phát đối với các vùng có tốc độ gió thấp thông qua việc phát triển các dòng sản phẩm công nghệ mới như tăng thêm chiều dài, tăng cường độ linh hoạt của cánh quạt gió.
Để triển khai việc này, Vietranstimex đã chuẩn bị và có phương án đầu tư mua sắm mới các thiết bị vận chuyển và nâng hạ cánh điện gió chuyên dụng, chuẩn bị các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, đẩy nhanh tiến độ và giảm bớt các chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng đường trung chuyển ngắn trong vận chuyển đa phương thức đối với các dự án trong khu vực.
Ngày 11/11/2021, tại Hội nghị Đối thoại thường niên giữa các nhà Lãnh đạo APEC và Hội đồng kinh doanh APEC (ABAC), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan vào 2030, nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên trên 30%. Chủ tịch nước cũng chia sẻ Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp mạnh, tiếp cận tổng thể, lồng ghép các kế hoạch, chiến lược phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới với chuyển đổi kinh tế số, tăng trưởng xanh và thích ứng biến đối khí hậu.
Trên thực tế trong lĩnh vực năng lượng, 60% lượng phát thải năm 2020 từ công nghiệp năng lượng - chủ yếu từ sản xuất điện năng từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Do đó, việc giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất điện là rất quan trọng để Việt Nam có thể đạt các cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu Net-Zero mới. Việc Goldwind định hướng trực tiếp phát triển các dự án điện gió tại khu vực cũng như hỗ trợ các chủ đầu tư dự án thông qua các chính sách về giá, hỗ trợ tài chính, thiết bị sẽ góp phần thúc đẩy việc tăng trưởng mạnh trong hoạt động đầu tư sản xuất điện từ các dự án năng lượng tái tạo mới từ nguồn năng lượng gió tại Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận