Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air – mã chứng khoán: VJC) vừa ban hành nghị quyết về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị phát hành tính theo mệnh giá là 2.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Vietjet Air dự kiến phát hành 20.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm. Thời gian phát hành dự kiến từ quý 2 đến quý 4/2024.
Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Vietjet Air cũng ủy quyền cho người đại diện pháp luật của công ty triển khai thực hiện các thủ tục đăng ký, lưu ký và niêm yết trái phiếu phù hợp với quy định của pháp luật.
Về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, theo báo cáo tài chính quý 1/2024, Vietjet Air ghi nhận kết quả kinh doanh tăng đột biến với doanh thu thuần 17.791 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 539,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 37,9% và 212,1% so với cùng kỳ năm trước nhờ vận tải hành khách quốc tế tăng trưởng mạnh, cùng với việc thực hiện hiệu quả các chương trình gia tăng doanh thu phụ trợ và tối ưu chi phí hoạt động.
Trong quý đầu tiên của năm 2024, Vietjet Air đã khai thác an toàn gần 34.500 chuyến bay, vận chuyển hơn 6,3 triệu lượt hành khách, lần lượt tăng 10% và 16% so với cùng kỳ năm 2023. Vận chuyển hàng hoá quý 1/2024 đạt 30.200 tấn, tăng 104%.
Kết thúc tháng 3/2024, tổng tài sản của Vietjet Air đạt hơn 85.800 tỷ đồng, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu và chỉ số thanh khoản lần lượt đạt 1,9 lần và 1,3 lần, nằm ở mức an toàn trong ngành hàng không. Qua đó, Vietjet Air đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 1.770 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Vietjet Air đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu vận tải hàng không đạt hơn 59.000 tỷ đồng và doanh thu hợp nhất đạt hơn 65.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 12,4% so với năm 2023. Hãng dự kiến khai thác an toàn 142.000 chuyến bay, vận chuyển 27,4 triệu lượt hành khách.
Bên cạnh đó, Vietjet Air tiếp tục kế hoạch khai thác các đường bay quốc tế mới gồm Phú Quốc – Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), TP.HCM – Thành Đô, Tây An (Trung Quốc), TP HCM – Viêng Chăn (Lào), và các đường bay từ Hà Nội đến Hiroshima (Nhật Bản), Sydney, Melbourne (Australia).
Đại hội cũng thông qua kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024 với việc chia cổ tức và tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu với tỷ lệ tối đa 25%.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 28/6, cổ phiếu VJC đóng cửa ở mức 101.500 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hoá của doanh nghiệp hàng không này trên thị trường đạt khoảng 54.973 tỷ đồng.
Thị giá cổ phiếu VJC trong thời gian gần đây
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Yuanta, ngành hàng không đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhờ giá dầu dự kiến duy trì ổn định trong năm 2024. Cụ thể, theo dự báo của EIA trong tháng 4/2024, giá dầu trung bình sẽ ở mức 90 USD/thùng trong quý 2 và 89 USD/thùng cho cả năm.
Trong đó, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25 - 28% chi phí khai thác của các hãng hàng không. Với việc giá dầu ổn định duy trì quanh mức 90 USD/thùng, cao hơn bình quân 2023 nhưng cũng không tạo áp lực quá lớn lên biên lợi nhuận của ngành hàng không. Mặc dù vậy, nhóm phân tích Chứng khoán Yuanta cho rằng vẫn cần theo dõi thêm các yếu tố địa chính trị có thể làm tăng giá dầu hơn dự kiến.
Một yếu tố khác giúp các hãng hàng không duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 đến từ nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hoá tiếp tục hồi phục. Bước sang quý 1/2024, lượng khách du lịch đến Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, đạt 4 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, xu hướng du lịch bằng đường hàng không tăng hơn so với trước dịch khi tỷ lệ di chuyển bằng đường không ở mức 87 - 89% năm 2022- 2023, cao hơn hẳn mức 80% của năm 2019.
Thêm vào đó, chính sách thị thực mới có hiệu lực từ tháng 9/2023 tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng du lịch trong năm 2024. Thực tế, lượng khách quốc tế theo tháng đã tăng đáng kể từ tháng 10/2023, sau hiệu lực của chính sách miễn thị thực cho 25 nước kéo dài từ 15 lên 45 ngày.
Ngoài ra, sản lượng vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không trong năm 2023 giảm 9,3% so với 2022, bằng 87,3% năm trước dịch. Nhóm phân tích Chứng khoán Yuanta kỳ vọng sản lượng vận chuyển hàng hóa sẽ hồi phục tốt hơn trong năm 2024 khi nhu cầu hồi phục theo sự hồi phục chung của các nền kinh tế lớn.
Tiếp đó, Thông tư 34 của Bộ Giao thông Vận tải về việc điều chỉnh tăng giá trần vé máy bay có hiệu lực từ 1/3/2024 cũng tạo điều kiện cho các hãng hàng không bù đắp các chi phí đầu vào đặc biệt là giá nhiên liệu. Điều này cũng giúp cho các hãng bay có dư địa điều chỉnh giá vé trên các đường bay nội địa.
Cuối cùng, dự án sân bay Long Thành dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2026 sẽ là triển vọng dài hạn cho ngành hàng không. Với tổng công suất 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, sân bay này sẽ giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, mang lại lợi ích cho các hãng hàng không và Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường