Vietcap: Giá dầu sẽ sớm bình thường, PVD trở lại chu kỳ tăng trưởng
Vietcap dự báo mức tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp bốn lần tốc độ tăng trưởng toàn cầu, theo đó nhóm cổ phiếu dầu khí, dẫn đầu là PVD, sẽ hưởng lợi.
Theo dự báo của CTCP Vietcap (Vietcap, VCI), năm 2024, giá dầu Brent trung bình ở mức 83 USD/thùng, sau đó sẽ quay trở lại mức bình thường 75 USD/thùng trong giai đoạn 2025-2028.
Trong năm 2023, giá dầu Brent trung bình ở mức 82 USD/thùng, giảm 17% so với mức cơ sở cao trong năm 2022. Dự báo đồng thuận của Bloomberg cho thấy giá dầu Brent trung bình năm 2024 sẽ là 82 USD/thùng, thấp hơn một chút so với dự báo của Vietcap. Ngoài ra, dự báo đồng thuận cũng cho rằng giá dầu Brent sẽ dao động trong khoảng 73-88 USD/thùng trong 5 năm tới.
Giá dầu Brent trung bình tính đến ngày 20/2/2024 là 80 USD/ thùng, thấp hơn 4% so với giả định nêu trên của Vietcap, tuy nhiên vẫn phù hợp với kỳ vọng cả năm.
Kỳ vọng giá dầu Brent ổn định, bất chấp các biến động có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và giá hàng hóa nguyên liệu như căng thẳng trên dải Gaza và Biển Đỏ, được bù đắp bởi dự báo chi tiêu cho lĩnh vực dầu khí thượng nguồn và kế hoạch tăng công suất của các nhà cung cấp dầu từ Trung Đông, kế hoạch tăng tốc hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) trên toàn cầu trong đó có Đông Nam Á… mang đến một triển vọng tích cực cho ngành dầu khí nói chung và cổ phiếu ngành dầu khí, theo Vietcap.
Tốc độ tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam tiếp tục có CAGR cao hơn nhiều lần so với tốc độ của toàn cầu
“Chúng tôi cho rằng hoạt động thăm dò & khai thác dầu khí trong nước (E&P) sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới trong năm 2024, được hỗ trợ bởi dự báo giá dầu Brent ổn định trong giai đoạn 2024-2028 và Luật Dầu khí sửa đồi của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.
Chúng tôi ước tính tổng vốn đầu tư cho hoạt động thăm dò & khai thác trong nước cho các phân khúc thượng nguồn và trung nguồn là 14 tỷ USD trong giai đoạn 2023- 2033, tương đương trung bình 1,4 tỷ USD/năm. Con số này gấp đôi tổng vốn đầu tư của giai đoạn 2016-2022 và tương đương 80% tổng vốn đầu tư trong giai đoạn đỉnh điểm 2010-2015. Điều này sẽ có lợi cho các công ty PVD, PVS và GAS”, bà Đinh Thị Thùy Dương, Phó Giám đốc Khối Nghiên cứu Phân tích cùng các cộng sự của Vietcap, chia sẻ.
Trong nước, ước tính mức tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam trong 2023 tiếp tục tăng 4,5 YoY, dù 2022 có cơ sở cao. Vietcap kỳ vọng mức tiêu thụ xăng dầu này sẽ tiếp tục tăng 4,1% trong năm 2024, nhờ nền kinh tế. Nguồn cung xăng dầu cũng được kỳ vọng sẽ ổn định trong năm nay nhờ nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động bình thường trong thời gian Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tiến hành bảo dưỡng; và giá xăng dầu nhập khẩu tương đối ổn định.
Ngay từ đầu năm, tại Công điện số 09, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong Tết và cả trong thời gian tới. Theo kế hoạch năm nay, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ có bảo dưỡng tổng thể. Bộ Công Thương sẽ có các cung khác bù vào lượng thiếu hụt trong thời gian bảo dưỡng. Bên cạnh đó, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng tăng 120% công suất để bù vào. Đây là cơ sở quan trọng để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo ổn định và cũng là điều kiện góp phần đảm bảo ổn định lạm phát theo chỉ tiêu đề ra trong bối cảnh có lo ngại giá hàng hóa quốc tế biến động.
Hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí được thúc đẩy mạnh mẽ trên toàn cầu trong 2024, trong khi tình trạng thiếu hụt giàn khoan cao, dẫn đến PVD có lợi thế lớn khi giữ 50% thị phần khoan và 50-100% thị phần cho các ngành dịch vụ liên quan
Ở góc độ E&P, Vietcap cho biết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gần đây đặt mục tiêu vốn đầu tư năm 2024 khoảng 2 tỷ USD, tăng 57% YoY, khoảng 2x của mức đầu tư đỉnh điểm 2015, chủ yếu dành cho dự án Lô B. Điều này cho thấy cam kết mạnh mẽ của PVN về việc đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng vào quý II/2024.
Mới đây, Ban lãnh đạo PVD đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 khả quan, với doanh thu tăng 18% và LNST sau lợi ích CĐTS tăng 3,6 lần so với cùng kì, đạt 195 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp trong mảng dịch vụ khoan đã cải thiện đáng kể lên 26,7%, vượt xa mức đỉnh năm 2013.
PVD dự kiến đầu tư 1-2 giàn khoan mới trong năm 2024, vượt kỳ vọng của giới chuyên gia. PVD ước tính thời gian hoàn vốn chỉ có 4 năm cho giàn khoan mới này và kỳ vọng sẽ sớm được Tập đoàn Dầu khí phê duyệt, sau khi giải đáp toàn bộ các chất vấn về rủi ro giá dầu biến động và chu kỳ ngành.
Hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng toàn cầu tháng 1 đạt mức cao kỷ lục 86% trong 10 năm qua do nhu cầu ngày càng tăng và nguồn cung hạn chế. Các công ty trong ngành kỳ vọng giá thuê giàn khoan tiếp tục tăng trưởng 2 con số, lên 130,000-150,000 năm 2024 sau khi tăng gần gấp đôi trong 2 năm qua.
Cổ phiếu dầu khí, đặc biệt nhóm thượng nguồn vận chuyển được đánh giá có triển vọng cao
“Chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS của PVD (cổ phiếu lựa chọn hàng đầu của chúng tôi) sẽ tăng khoảng 70% YoY trong cả hai năm 2024 và 2025 nhờ: 1) Bình quân giá thuê ngày gian khoan của PVD tăng trưởng 2 chữ số, được hỗ trợ bởi triển vọng khan hiếm giàn khoan tự nâng và 2) sự phục hồi của mảng dịch vụ liên quan đến giếng khoan và lợi nhuận từ các liên doanh. PVD dự kiến sẽ đưa thêm một giàn khoan tự nâng vào hoạt động vào cuối năm 2024 với thời gian hoàn vốn dự kiến là 4 năm”, bà Dương nhận định.
Theo đó, với tiềm lực tài chính vững mạnh và triển vọng lợi nhuận tăng trưởng gần gấp đôi trong 2 năm tới, Vietcap đang đưa ra giá mục tiêu cho PVD là 34.100 đồng/cổ phiếu.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 28/2, cổ phiếu PVD mở cửa với giá tham chiếu 28.800đ/cp, đã tăng kịch trần lên 30.800đ/cp.
Theo sau PVD, các lựa chọn GAS, PVS, PVT, cũng được đánh giá hưởng lợi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận