“Viên ngọc thô” Long Châu qua bàn tay FRT “mài dũa” có thể tỏa sáng đến mức nào?
Chuỗi nhà thuốc Long Châu đã bắt đầu tham gia đóng góp vào lợi nhuận của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HOSE: FRT).
Bức tranh kinh doanh của FRT từ quý 3/2021 đã có thêm điểm sáng nhờ chuỗi nhà thuốc Long Châu bắt đầu có lãi. Dự kiến sang năm 2022, khi FRT có thể mở thêm 200-300 nhà thuốc mới, gia tăng độ phủ nhằm thực hiện chiến lược chiếm thị phần số 1 ở mảng bán lẻ nhà thuốc, kinh doanh của FRT còn tỏa sáng hơn.
Chuỗi Long Châu tăng trưởng 3 con số
Bất chấp giãn cách và việc đóng cửa một số cửa hàng, FRT vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh trong quý 3/2021 tăng trưởng đáng kể so cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 4,993 tỷ đồng, tăng 45% và lãi sau thuế 47 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 7 tỷ đồng). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, FRT ghi nhận doanh thu thuần 14,018 tỷ đồng, tăng 31% so cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 108 tỷ đồng, gấp gần 12 lần cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2021 của FRT
Đó chưa phải là con số ấn tượng duy nhất. Trong quý 3/2021, chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt doanh thu thuần 1,193 tỷ đồng, tăng 240% so cùng kỳ. Sau một vài quý thua lỗ, Long Châu cũng bắt đầu có lãi khoảng 2 tỷ đồng.
Doanh thu chuỗi Long Châu tăng mạnh nhờ nhu cầu đối với thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế tăng mạnh trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát kéo dài. Số lượng cửa hàng gia tăng cũng góp phần vào tăng trưởng doanh thu. Tính đến cuối quý 3/2021, Long Châu đã có 308 cửa hàng, tăng 75% so cùng kỳ (mở mới 132 cửa hàng).
Mặc dù Long Châu tăng đóng góp doanh thu quý 3 và biên lợi nhuận gộp của mảng này cao hơn nhưng biên lãi gộp chung của FRT lại không đổi so với năm trước (13.9%). Điều này cho thấy biên lãi gộp của FPT Shop giảm do FRT phải đẩy mạnh hoạt động khuyến mãi để thúc đẩy doanh thu. Tuy nhiên, nhờ doanh thu chuỗi nhà thuốc tăng mạnh và các biện pháp cắt giảm chi phí, tỷ lệ chi phí SG&A (tất cả các chi phí gián tiếp và trực tiếp liên quan đến việc bán sản phẩm bao gồm cả chi phí quản lý) trên doanh thu giảm từ 14% trong quý 3/2020 còn 13% trong quý 3/2021.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của Long Châu tăng 207% so cùng kỳ, lên 2,529 tỷ đồng. Như vậy, chuỗi nhà thuốc đã sớm vượt mục tiêu khoảng 2,400 tỷ đồng doanh thu đề ra cho 2021.
Còn nhiều dư địa tăng trưởng
Sau khi trải qua làn sóng Covid-19 thứ 4 (kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9/2021), nhiều người tiêu dùng bắt đầu ưu tiên mua các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe và miễn dịch. Các chuyên gia đánh giá nhu cầu thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế sẽ tiếp tục cao trong quý 4/2021 và năm 2022.
Ngoài ra, lãnh đạo Long Châu cũng quyết định đẩy nhanh tốc độ mở mới cửa hàng với kế hoạch mở thêm 200-300 cửa hàng trong 2022 thay vì con số 150 như kế hoạch trước đây, qua đó hỗ trợ tăng trưởng doanh thu chuỗi.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT FRT chỉ ra lợi thế cạnh tranh của Long Châu so với các chuỗi nhà thuốc khác chính là ứng dụng công nghệ và kinh nghiệm trong quản trị chuỗi, kinh nghiệm tìm kiếm mặt bằng. Cùng với đó, FRT có đội ngũ dày dạn kinh nghiệm sau quá trình mở FPT Shop. Đây là lợi thế cho phép FRT dễ dàng luân chuyển các thành viên thạo việc từ chuỗi FPT Shop sang Long Châu để hình thành bộ khung nhân sự, mạnh hoạt động của chuỗi.
Về chiến lược dài hạn, chuỗi Long Châu đang trong quá trình tăng trưởng và đầu tư. FRT cho biết đang tập trung mở rộng vùng phủ và xây dựng chuỗi Long Châu tăng trưởng bền vững vì đang có cơ hội dẫn đầu thị trường. Trong giai đoạn 2021-2022, Long Châu dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư và vẫn lỗ. Tuy nhiên, tới quý 3/2021 thì Long Châu đã lãi. Dự kiến sang năm 2023, mức lãi của Long Châu sẽ đáng kể và ổn định hơn.
Theo báo cáo cập nhật tháng 12/2021, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định Long Châu hiện là chuỗi nhà thuốc số 1 tại Việt Nam về doanh số bán thuốc với thị phần khoảng 10% và tổng doanh thu ước đạt 189 triệu USD trong 2021. VCSC dự báo thị phần của Long Châu sẽ đạt khoảng 25%-29% trong vòng 10 năm tới.
Dù chuỗi Long Châu có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng hoạt động đem lại doanh thu lợi nhuận chủ lực của FRT vẫn là chuỗi FPT Shop, hiện có 630 cửa hàng (tính đến tháng 9/2021).
Trong quý 3/2021, doanh thu thuần của FPT Shop đạt 3,800 tỷ đồng, tăng 23% so cùng kỳ mặc dù hơn 65% số cửa hàng phải đóng cửa trong phần lớn thời gian. Kết quả này nhờ vào doanh thu trực tuyến 1,781 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ và đóng góp 47% doanh thu FPT Shop.
Xét theo mặt hàng, laptop và điện thoại di động là động lực tăng trưởng chính. Trong đó, doanh thu laptop tăng 139%, doanh thu sản phẩm của Apple tăng 23% so cùng kỳ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn đang hoành hành, xu hướng học tập và làm việc trực tuyến vẫn tiếp diễn. Theo đó, nhu cầu đối với thiết bị như điện thoại, laptop, máy tính bảng… được dự báo vẫn cao cho đến 2023.
Bên cạnh đó, doanh số điện thoại di động tại Việt Nam tăng đáng kể 17% trong 8 tháng đầu năm 2021 do người dân dành nhiều thời gian sử dụng internet hơn bình thường vì phải ở trong nhà.
Theo dự báo của HSC, doanh số điện thoại di động tại Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt 17%, 13% và 7% trong các năm 2021, 2022 và 2023. Đối với laptop, doanh số toàn ngành cũng được dự báo tăng trưởng lần lượt 25%, 20% và 11%.
Doanh thu điện thoại di động và laptop tại Việt Nam
Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của FRT ở mức cao
Tính đến 30/09/2021, FRT đang sở hữu quy mô tài sản gần 8.5 ngàn tỷ đồng, tăng 58% so với đầu năm, chủ yếu nhờ tăng khoảng 3 ngàn tỷ đồng giá trị tài sản ngắn hạn.
Công ty đã gia tăng gấp đôi khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, lên 1.7 ngàn tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho cũng tăng lần lượt 92% và 55% so với đầu năm, ghi nhận 2.9 ngàn tỷ đồng và 2.8 ngàn tỷ đồng.
Điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của FRT là tỷ lệ vay và nợ thuê tài chính cao so với vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ này tại 30/09/2021 đạt 3.8 lần, cùng kỳ năm trước ghi nhận 2.0 lần. Điều này do Công ty mở rộng mạnh mảng nhà thuốc và duy trì hàng tồn kho cao trong giai đoạn khan hiếm laptop.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận