menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Lan Anh

Vì sao giá vàng thế giới liên tiếp lập kỷ lục?

Giá vàng quốc tế lập đỉnh liên tục, tăng 350 USD chỉ trong hai tháng, do biến động chính trị, lực mua của các ngân hàng trung ương và kỳ vọng Mỹ giảm lãi suất.

Phiên 9/4, giá vàng thế giới lập đỉnh phiên thứ 7 liên tiếp, khi chạm 2.365 USD một ounce. Từ đầu năm, kim loại quý này đã tăng 16,5%.

Giá tăng mạnh kể từ giữa tháng 2, khi chỉ trong hai tháng, mỗi ounce đã đắt thêm 350 USD. Giới phân tích cho rằng đợt tăng lần này có nhiều nguyên nhân. Đó là bất ổn địa chính trị, lực mua của các ngân hàng trung ương và kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất năm nay.

Trong báo cáo công bố hôm qua, Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) UBS đánh giá kỳ vọng Fed hạ lãi suất "vẫn là lực đẩy chính cho vàng". Giá vàng thường diễn biến ngược chiều với lãi suất, do kim loại quý không trả lãi cố định.

Công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch cho thấy thị trường hiện dự báo khả năng Fed giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (0,25%) vào tháng 6 là 51%. Trên thực tế, kỳ vọng này đã hỗ trợ giá vàng từ cuối năm ngoái, khi lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt đáng kể và Fed giữ nguyên lãi suất hơn nửa năm qua.

Vì sao giá vàng thế giới liên tiếp lập kỷ lục?
Giá vàng thế giới tăng nhanh trong 2 tháng qua. Đồ thị: Goldprice

Trong bài phát biểu hôm 3/4, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết cuộc chiến chống lạm phát vẫn là "con đường gồ ghề". Dù vậy, cơ quan này cho rằng việc giảm lãi suất để tái cân bằng nền kinh tế vẫn sẽ diễn ra trong năm nay. Fed tháng trước dự báo năm nay hạ lãi suất 3 lần.

Chỉ số Chi tiêu Cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - tăng 2,5% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này cao hơn tháng 1. Tuy nhiên, PCE lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm) lại thấp hơn. Lạm phát chậm lại sẽ làm tăng khả năng Fed giảm lãi suất.

Ngoài ra, giá vàng vài năm qua còn được hỗ trợ bởi lực mua của các ngân hàng trung ương, dẫn đầu bởi Trung Quốc. Số liệu chính thức công bố hôm 7/4 cho thấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã tăng dự trữ vàng tháng thứ 17 liên tiếp. Số vàng PBOC nắm giữ tăng 0,2% trong tháng 3, lên 2.273 tấn - cao nhất kể từ tháng 11/2015.

Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cũng cho thấy trong 2 tháng đầu năm, các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục mua vàng. Trung Quốc có lượng mua ròng lớn nhất thế giới, với khoảng 22 tấn. Theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Ngân hàng Trung ương Nga cũng tăng tốc tích trữ vàng từ sau chiến sự tại Ukraine.

WGC nhận định vàng là thành phần quan trọng trong khối dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, nhờ tính an toàn, thanh khoản cao và có thể sinh lời. Các cơ quan này cũng là nhóm nắm giữ vàng lớn của thế giới, chiếm 20% số vàng được khai thác trên toàn cầu đến nay.

Các ngân hàng trung ương đã tăng mua vàng từ năm 2022. Trong Báo cáo Nhu cầu Xu hướng vàng năm 2023, WGC cho biết lượng mua từ các ngân hàng trung ương vượt 1.000 tấn trong 2022-2023. Đây là năm thứ hai liên tiếp nhóm này mua trên 1.000 tấn vàng.

Vì sao giá vàng thế giới liên tiếp lập kỷ lục?
Nhân viên đóng dấu lên các thỏi vàng tại nhà máy ở Kasimov (Nga). Ảnh: Reuters

UBS cho rằng các ngân hàng trung ương có thể muốn giảm phụ thuộc vào đôla Mỹ và trú ẩn trong thời kỳ biến động chính trị. Báo cáo của JP Morgan hồi tháng 3 cũng đồng tình với quan điểm này. Họ cho rằng các quốc gia không phải là đồng minh của Mỹ dường như đang tích trữ vàng để đa dạng hóa khỏi USD, giảm tổn thương từ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Theo nhiều nhà phân tích, nhu cầu của các ngân hàng trung ương là yếu tố chính giúp kim loại quý giữ được ngưỡng hỗ trợ 2.000 USD vài tháng qua. "Tôi cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng mua vàng. Việc dự trữ tiền tệ các nước khác ngày càng ít ý nghĩa, trong bối cảnh thế giới phân cực và đầy bất ổn", Ryan McIntyre - Giám đốc công ty quản lý tài sản Sprott, cho biết trong một bài phỏng vấn gần đây với Kitco News.

Việc PBOC tăng mua dự trữ cũng kéo nhu cầu của nhà đầu tư cá nhân nước này lên cao. Họ coi vàng là tài sản thay thế trong bối cảnh bất động sản và thị trường chứng khoán đi xuống vài năm qua, Capital Economics lý giải.

Biến động địa chính trị cũng đang tác động lên thị trường kim loại quý, do vàng là công cụ trú ẩn truyền thống. Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Syria cho biết máy bay quân sự Israel tối 1/4 tập kích khu vực đại sứ quán Iran tại đây, khiến một tướng thiệt mạng. Iran sau đó tuyên bố sẽ trả đũa Israel. Diễn biến này kéo giá vàng tiến sát 2.290 USD một ounce trong phiên 2/4.

Trên thực tế, giá vàng đã tăng mạnh trong 2 tháng cuối năm ngoái, do căng thẳng tại Trung Đông bùng phát. Với các diễn biến mới gần đây, cuộc xung đột này đang có nguy cơ lan rộng trong khu vực.

Năm nay, cử tri tại hơn 60 quốc gia trên thế giới sẽ tham gia bầu cử, trong đó có Mỹ. Giới chuyên gia cho rằng những biến động kinh tế và chính trị này sẽ còn tiếp tục giúp thị trường vàng lập đỉnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

84,800 N

0.00 (0.00%)

Biểu đồ mã DOJI HN

83,800 N

0.00 (0.00%)

Biểu đồ mã SJC Hà Nội
Xem thêm Xem thêm
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại