Vì sao giá đậu tương thế giới giảm mạnh?
Theo dự báo đến năm 2025 và 2030 nhu cầu nhập khẩu khô đậu tương ở Việt Nam sẽ tăng lên 6,5 - 8 triệu tấn/năm.
Giá đậu tương Mỹ nhập khẩu về cảng điều chỉnh giảm
Thời gian gần đây, nhóm đậu tương là tâm điểm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nông sản. Cụ thể, trong bối cảnh triển vọng mùa vụ tại Mỹ vẫn còn chưa chắc chắn, với những dữ liệu có phần trái chiều về tình trạng cây trồng, giá đậu tương hợp đồng tháng 11 đã trải qua ngày giao dịch với những rung lắc mạnh.
Các tín hiệu thị trường cho thấy triển vọng nguồn cung đậu tương từ các nước sản xuất lớn tương đối tích cực; đã khiến lực bán áp đảo và đẩy giá đậu tương đóng cửa với mức giảm lên tới 1,16%, đánh dấu ngày suy yếu thứ hai liên tiếp.
Đáng chú ý tại thị trường Mỹ, kết quả ngày đầu của cuộc khảo sát mùa vụ quan trọng Midwest hằng năm (Crop Tour 2023) là khá tích cực và đã gây áp lực lớn lên giá đậu tương trong suốt ngày hôm qua.
Pro Farmer, đơn vị thực hiện cuộc khảo sát cho biết, số lượng vỏ đậu tương trung bình trên diện tích 3x3 foot vuông ở Ohio và South Dakota đạt lần lượt 1.252,93 và 1.013, đều cao hơn so các mức 1.131,64 và 871,4 được ghi nhận trong chuyến khảo sát năm ngoái. Số liệu trên giúp mở ra triển vọng khả quan về năng suất đậu tương năm nay ở Mỹ.
Bên cạnh đó, tại Brazil, trong báo cáo tuần này, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) tiếp tục hạ dự báo xuất khẩu đậu tương tháng 8 của nước này xuống còn 7,58 triệu tấn, từ mức 7,78 triệu tấn được đưa ra tuần trước. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn nhiều so mức 5,05 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái, phản ánh sự mở rộng của nguồn cung từ Brazil nhờ vụ mùa bội thu, và đã gây sức ép lên giá.
Đặc biệt, hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương cũng khép lại phiên hôm qua trong sắc đỏ. Giá khô đậu tương hợp đồng tháng 12 rung lắc mạnh ngay dưới vùng tâm lý 400 USD/tấn và đóng cửa với mức giảm nhẹ 0,38%. Đáng chú ý, dầu đậu tương là mặt hàng dẫn đầu đà giảm của nhóm trong phiên hôm qua, khi giá lao dốc tới 3,1%, qua đó ghi nhận phiên suy yếu thứ hai liên tiếp.
Theo báo Nhân Dân, sáng ngày 23/8, trên thị trường nội địa, tại cảng Cái Lân, giá khô đậu tương Mỹ nhập khẩu về cảng cũng điều chỉnh giảm nhẹ. Theo đó, giá chào bán dao động trong khoảng 12.900-13.000 đồng/kg đối với kỳ hạn giao các tháng quý IV năm nay.
Ngoài đậu tương một số nông sản khác như ngô và lúa mì giảm giá biến động trái chiều. Cụ thể, giá lúa mì tại Mỹ giảm 4,1%, do các nhà đầu tư bán ra chốt lời, khi căng thẳng Nga - Ukraine gia tăng, làm dấy lên lo ngại khả năng xuất khẩu từ 2 nước cung cấp chính trên toàn cầu bị gián đoạn.
Biến động thị trường đậu tương thế giới có tác động đối với ngành chăn nuôi của Việt Nam
Thông tin thêm trên báo Nhân Dân, trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta tiêu thụ trung bình gần 2 triệu tấn đậu tương. Khoảng 70% trong số này được sử dụng cho hoạt động ép dầu để sản xuất khô đậu tương - thành phần chính trong hỗn hợp thức ăn chăn nuôi. Theo đó, phần lớn nhu cầu tiêu thụ đậu tương tại nước ta vẫn được đáp ứng bởi nguồn hàng nhập khẩu. Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, nước ta nhập khẩu 1,84 triệu tấn đậu tương trong năm 2022, trong đó Mỹ là nhà cung cấp lớn thứ 2 với 594,791 tấn.
Thời gian qua, Việt Nam cũng là một trong những đối tác thương mại đậu tương lớn của Mỹ. Dữ liệu chính thức của USDA cho thấy, Việt Nam luôn nằm trong danh sách 10 nhà nhập khẩu đậu tương lớn nhất của nước này xét về giá trị kể từ ít nhất là năm 2013.
Với việc nguồn nguyên liệu thô chủ yếu được cung cấp từ nước ngoài, không khó để có thể thấy rằng ngành chăn nuôi ở Việt Nam rất dễ bị tổn thương mỗi khi thị trường hàng hóa quốc tế có sự biến động mạnh. Thí dụ điển hình là sự gián đoạn của dòng chảy ngũ cốc Biển Đen theo sau cuộc xung đột tại Ukraine, đã đẩy giá cả nông sản toàn cầu tăng vọt và khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với thử thách lớn về chi phí sản xuất.
Đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0%
Thông tin trên VTV, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong mấy năm gần đây, ngày càng nhiều tác động khiến ngành đang chịu ảnh hưởng lớn. Tác động của dịch bệnh COVID-19, xung đột Nga-Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, chi phí logistics tăng cao, lạm phát và đặc biệt giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục, không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm thủy sản đều cao.
Việc giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương xuống 0% sẽ hỗ trợ cho ngành sản xuất thức ăn thủy sản nói riêng và ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam nói chung.
Đặc biệt, trong 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022, có đến 62% là đóng góp từ nuôi trồng thủy sản.
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, khô đậu tương là mặt hàng chiếm tỉ trọng cao nhất về giá trị trong các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong khi nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến 85% đến 90% giá thành. Tình trạng này đã khiến 45% đến 50% trang trại lớn treo chuồng và khoảng 70% đến 75% hộ chăn nuôi ngừng tái đàn. Nếu tiếp tục kéo dài mà không có sự can thiệp, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng trong ngành chăn nuôi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận