Vì sao cổ phiếu VNDirect giảm mạnh?
2024 là một trong những năm hoạt động khó khăn nhất của VNDirect cùng doanh nhân Phạm Minh Hương.
VN-Index giảm 9,42 điểm trong phiên giao dịch ngày 4/12, đây là phiên điều chỉnh mạnh nhất của chỉ số này kể từ ngày 19/11. Thanh khoản vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch trên HOSE đạt gần 14.000 tỷ đồng.
Về thanh khoản, cặp đôi chứng khoán VND và VIX có khối lượng khớp lệnh lớn, lần lượt đạt 20,4 triệu đơn vị và 15,7 triệu đơn vị, chốt phiên lần lượt giảm 3,6% và giảm 1,7%. Tương tự nhiều mã khác cùng nhóm cũng kết phiên trong sắc đỏ như SSI (-1%), VCI (-1,5%), HCM (-1,6%),...
Diễn biến một số mã ngành chứng khoán trong 6 tháng gần đây.
Nhìn rộng ra trong 6 tháng trở lại đây, dòng tiền đã dần thoát ra khỏi ngành chứng khoán, khiến nhiều mã giảm điểm như SSI giảm gần 16%, VCI giảm hơn 11%, FTS giảm hơn 4%. Trong đó, cổ phiếu VND nổi bật nhất khi giảm tới hơn 27% về vùng giá 13.250 đồng/CP. Hiện tại, cổ phiếu VND đang giao dịch ở mức P/E và P/B lần lượt là 9,2 và 1,1 lần, thấp hơn đáng kể so với trung bình ngành chứng khoán.
Trên thực tế, 2024 là một năm khó khăn với VNDirect khi bị ảnh hưởng bởi những thông tin như sự cố hệ thống, trái phiếu Trung Nam và kết quả kinh doanh giảm sút.
Trước đó, vào ngày 24/3 hệ thống thông tin của Công ty chứng khoán VNDirect bị tấn công. Sự việc hết sức nghiêm trọng khi phải hơn 1 tuần sau đó công ty mới có thể mở lại hệ thống cho nhà đầu tư giao dịch.
Điều này không chỉ làm chậm trễ kế hoạch giao dịch tổn thất cho nhà đầu tư mà VNDirect còn đối diện với khủng hoảng niềm tin, mất khách hàng vào tay các công ty chứng khoán khác.
Sau vụ việc, uy tín về cơ sở hạ tầng dữ liệu của VND bị đặt dấu hỏi và ảnh hưởng tới thị phần môi giới chứng khoán. Theo đó, thị phần môi giới trên HOSE trong quý III/2024 của VND đã giảm từ 6,46% xuống 5,7%-mức thấp nhất kể từ quý IV/2019.
Sự kiện này cũng ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của VNDirect. Cụ thể, sau quý I tăng trưởng mạnh mẽ, quý II/2024 VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động 1.458 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 345 tỷ đồng, giảm lần lượt 8,1% và 18% so với cùng kỳ năm 2023.
Còn sang quý III, tất cả các mảng kinh doanh chính gồm tự doanh, môi giới và cho vay ký quỹ đều đồng loạt giảm. Cụ thể, hoạt động tự doanh (FVTPL) của VNDirect đạt 678 tỷ đồng, giảm 27% so với quý III/2023. Mảng cho vay ký quỹ ghi nhận 313 tỷ đồng, giảm 13%, trong khi doanh thu từ môi giới chứng khoán giảm tới 44%, chỉ đạt 168 tỷ đồng.
Xét lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu của công ty đạt 4.113 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.467 tỷ đồng, tăng 22,6% so với 9 tháng đầu năm 2023. So với mục tiêu mang về 2.020 tỷ đồng tiền lãi sau thuế, VNDirect đã hoàn thành 72,6% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Đáng chú ý, hoạt động tự doanh của VNDirect ghi nhận khoản lỗ nặng do đầu tư vào cổ phiếu LTG của CTCP Tập đoàn Lộc Trời. Tại thời điểm ngày 30/9/2024, giá trị cổ phiếu của công ty chứng khoán này tại Lộc Trời đạt gần 52,3 tỷ đồng, tương đương mức lỗ gần 55% so với giá gốc. Xét theo mức giá hiện tại của cổ phiếu LTG (7.800 đồng/CP chốt phiên 4/12), mức lỗ của khoản đầu tư này lên đã hơn 74% (nếu VNDirect không giao dịch mua/bán thêm cổ phiếu).
Ngoài ra, công ty cũng lỗ 11% với khoản đầu tư cổ phiếu C4G của CIENCO4. Như Nhadautu.vn từng đề cập, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho rằng CIENCO4 trong cả 2 đợt tăng vốn gần nhất của CIENCO4 trong năm 2022 và 2023 đều dùng vượt quá 50% số tiền thu được từ đợt chào bán cho Trustlink vay mà chưa được ĐHĐCĐ thông qua. Đồng thời, CIENCO4 cũng thay đổi phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán với giá trị vượt quá 50% số tiền thu được từ đợt chào bán mà chưa được ĐHĐCĐ thông qua và không báo cáo UBCKNN về việc thay đổi phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán.
VNDirect cũng đang nắm lượng lớn trái phiếu Trung Nam. Theo đó tính đến cuối tháng 9/2024, danh mục trái phiếu của VNDirect có giá trị hơn 13.100 tỷ đồng, trong đó khoản liên quan đến Trung Nam đã khiến công ty phải trích lập dự phòng hơn 55 tỷ đồng trong quý III/2024.
Câu chuyện trái phiếu Trung Nam là nội dung được cổ đông đặc biệt quan tâm tại cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2024 và cũng được lãnh đạo công ty đánh giá là một trong các nguyên nhân khiến cổ phiếu VND giảm sâu.
Tại cuộc họp này, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT VNDirect cho biết trạng thái nắm giữ trái phiếu Trung Nam hiện nay chủ yếu nằm ở dự án điện đã đưa vào phát điện, khác với dự án không có dòng tiền. Do vậy, rủi ro của Trung Nam nằm nhiều hơn ở tin đồn pháp lý, khó khăn của các dự án, chính sách thay đổi của Chính phủ và các khó khăn chung của các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu tư.
“Với câu hỏi nếu Trung Nam phá sản VNDirect có phá sản không, câu trả lời là không. Bất cứ lúc nào chúng tôi làm cái gì cũng đều tính toán”, Chủ tịch HĐQT VNDirect khẳng định.
Đẩy mạnh tăng vốn
Trong 9 tháng đầu năm 2024, vốn điều lệ của Chứng khoán VNDirect được nâng từ 12.178 tỷ đồng lên gần 15.223 tỷ đồng, vượt Chứng khoán SSI (15.111 tỷ đồng) trở thành công ty chứng khoán niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay trên thị trường.
Sau giai đoạn liên tục phát hành cổ phiếu tăng vốn và phân phối cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, cơ cấu sở hữu của VNDirect được pha loãng đáng kể. Điều này thể hiện ở tỷ lệ cổ đông tham gia AGM các năm gần đây liên tục sụt giảm so với giai đoạn trước đó.
Thông thường, tham dự ĐHĐCĐ là cổ đông lớn, cổ đông chi phối, ít có sự hiện diện của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Do vậy, các chuyên gia đánh giá tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tham dự ĐHĐCĐ là một tiêu chí quan trọng để đo lường mức độ pha loãng trong cơ cấu sở hữu của một doanh nghiệp đại chúng.
Với VNDirect, tỷ lệ này bắt đầu giảm nhanh kể từ AGM 2021 là 55,63%, sang AGM năm 2022 là 53,91%. Ở AGM 2023 tỷ lệ cổ đông dự họp công ty giảm còn 51,23% và thậm chí sang năm 2024, VND còn tổ chức bất thành ĐHĐCĐ thường niên lần một do chỉ có 567 cổ đông tham dự họp trực tiếp và ủy quyền, đại diện chưa tới 50% tổng số phiếu biểu quyết. Trong khi trước đó vào năm 2020, tỷ lệ cổ đông tham dự lên đến 72%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường