Vì sao biết mà vẫn đặt cược vào FLC?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến “cơn địa chấn” lớn chưa từng có vào buổi chiều muộn ngày 29/3/2022, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra lệnh bắt tạm giam Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Đây là con người đặc biệt, đã tạo ra những thứ kỳ lạ và mang lại những cảm xúc cũng thật khác thường với cộng đồng đầu tư non trẻ ở Việt Nam.
Khi chủ tịch công ty làm “trùm đội lái”
Ngày cuối tháng 3 đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc công ty này và Công ty cổ phần Chứng khoán BOS, các công ty có liên quan về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hành vi thao túng thị trường chứng khoán của bị can Trịnh Văn Quyết được xác định từ đầu tháng 12/2021 và kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10/01/2022 - phiên mà chủ tịch FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu. Ông Quyết đã vẽ ra một “kịch bản” khá tinh vi, chỉ đạo nhiều người cùng tham gia “thổi giá” cổ phiếu của chính tập đoàn mình nắm giữ lên một mức cao ngất ngưởng để “lùa gà” nhiều nhà đầu tư rồi “úp sọt” bán chui số cổ phiếu ông mua rẻ với mục đích hưởng lợi bất chính. Ông Quyết đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty con sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc “làm giá”.
Những cá nhân này thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn nhằm tạo ra cung cầu giả để đẩy giá lên cao. Ông Quyết cùng những người giúp sức đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, số lượng đặt mua chiếm 12% và số lượng đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng thị trường. Hành vi tạo cung cầu giả của nhóm Trịnh Văn Quyết đã đẩy giá cổ phiếu FLC từ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 liên tục tăng, thậm chí tăng trần nhiều phiên với mức cao nhất là 24.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu FLC đã được nhóm của bị can Quyết làm “ảo thuật” tăng hơn 64%.
Sau khi giá cổ phiếu FLC được đẩy lên cao ngất ngưởng, chủ tịch tập đoàn này đã chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu. Tổng số cổ phiếu FLC nhóm của ông Quyết bán ra đã khớp lệnh là 74,8 triệu, với giá trung bình là 22.500 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số cổ phiếu này đã được bán “chui”, không công bố trước khi thực hiện giao dịch. Tổng số tiền bị can Trịnh Văn Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là gần 1.700 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính số tiền hơn 530 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra việc bán chui cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Quyết bán ra, những nhà đầu tư đã mua số cổ phiếu này may mắn được hoàn lại tiền.
Biết rủi ro, nhưng vẫn “chơi”
Thực ra, không phải đến khi có quyết định trên nhà đầu tư và các tay chơi trên thị trường chứng khoán mới biết ông Quyết dính chàm. Từ rất lâu trước đó, thị trường hầu như không ngày nào không nhắc tới tên ông Quyết bằng cả những ngôn từ chửi rủa, oán hận lẫn khâm phục và thậm chí “yêu thương trìu mến”, chẳng hạn như “da anh sáng, trán anh cao”, anh tôi…
Trên thị trường lúc đó có hai kiểu nhà đầu tư quan tâm tới ông Quyết. Một dạng không am hiểu lắm về cổ phiếu, nhưng thấy thị trường xôn xao về mã FLC, lại thêm những thông tin ấn tượng về tiềm năng tăng trưởng được phát ra đều đặn đã bỏ tiền mua cổ phiếu và hồi hộp chờ đợi tăng giá rồi bán. Dạng thứ hai biết rõ FLC làm ăn không thực sự hiệu quả và có nhiều vấn đề trong kinh doanh chưa thể coi là tiềm năng, song vẫn mua vì thích thú những đợt sóng lên xuống vỗ về đầy khoái cảm! Họ mua và coi mình là vận động viên lướt sóng cừ khôi, có thể theo con nước kiếm tiền cùng ông Quyết và các băng nhóm cá mập.
Nhóm còn lại khá khó chịu, khi mã này chiếm sóng nhiều nhất thị trường, trong khi các mã tốt ít được quan tâm, và do đó cũng ít tăng giảm khiến họ hơi sốt ruột. Chuyện ông Quyết “múa gậy trong bị” để làm giá chứng khoán từ lâu không còn là chuyện lạ, thậm chí nhiều nhà đầu tư còn gọi ông là “người lái tàu vĩ đại” đã đưa họ qua những chuyến phiêu lưu kỳ thú và trở về với tài khoản tăng lên tính bằng lần!
Vì sao vậy?
Thứ nhất, nhiều nhà đầu tư lăn lộn trên sàn chứng khoán Việt Nam nhiều năm qua cho rằng, đôi khi, sự thông minh, tài tính toán hay khả năng đọc báo cáo tài chính hay phân tích biểu đồ của họ hầu như vô giá trị với diễn biến khó lường của chứng khoán Việt. Với họ, khôn cũng chết mà dại cũng chết, chỉ có biết thì may ra sống được vài hơi. Biết ở đây, theo họ, là biết mã nào có tổ lái cầm trịch để “đu” theo. Biết là rủi ro trên chuyến tàu lượn siêu tốc ấy, nhưng niềm hy vọng ăn dăm ba phiên trần vẫn rất quyến rũ, kéo theo vô vàn tay chơi nhập đoàn.
“Tính toán giỏi và có công cụ hỗ trợ tận răng như các công ty chứng khoán mà tự doanh vẫn lỗ chỏng vó liên tục, nhà đầu tư tự tin khả năng của mình làm gì. Chẳng qua là như đánh bạc thôi, đặt cửa nào may thì ăn. Cửa anh Quyết rất rủi ro, nhưng vào nhanh, ra nhanh, sôi động vui hơn”, anh Trần Văn Tuấn (ngụ quận 2, TP.HCM), chia sẻ trước thời điểm ông Quyết bị bắt.
Thứ hai, người chơi chứng khoán tại Việt Nam, ít nhất là nhóm cá nhân nhỏ lẻ, có vẻ rất nóng ruột. Với họ, một cổ phiếu mà cả tuần không tăng hay giảm gì sẽ gây cảm giác ức chế nặng nề. “Ai chả biết Vinamilk tốt, Vietcombank ngon, PNJ đúng là chất vàng mười. Nhưng cả tháng trời chẳng có biến động gì đáng kể, cũng không bơm ra thông tin gì thực sự chấn động, buồn thiu, ai chơi làm gì. Tăng tăng hẳn, giảm giảm hẳn, chứ cứ lừng khà lừng khừng mất thời gian, đằng nào mỗi ngày cũng phải mở bảng điện xem, thấy cứ ỳ ra chán lắm. Mà vậy thì cũng giam đồng tiền mình nữa”, Tuấn chia sẻ thêm.
Chính vì vậy, những mã càng biến động nhiều và biến động mạnh càng hút đối tượng khách này. Cổ phiếu như đồ quý hiếm Khảo sát thực tế thời gian gần đây của người viết cho thấy, chứng khoán ở Việt Nam được các nhà đầu tư nhỏ lẻ coi là trò chơi mạo hiểm hơn là kênh huy động vốn như vẫn được giới thiệu. Việc tham gia mua bán cổ phiếu với họ ở khía cạnh nào đó khá giống với việc đấu giá tranh quý hiếm trên thế giới! Cũng như giới buôn tranh, họ thổi một bức tranh toàn những đường nhằng nhịt rất khó hiểu thành siêu phẩm nghệ thuật, giá là vô chừng! 1.000 USD cũng hợp lý mà 1 triệu USD lại càng cho thấy tính hợp lý của bức tranh khó hiểu ấy! Với người thường thì những bức tranh ấy không có một điều gì đáng để mà bán được hơn chục triệu USD mỗi bức cả, rất phi lý. Tương tự là giới bán thiên thạch! Chỉ một cục đá đen nhẻm, họ bán cả tỉ đồng. Không thể nói người có tiền là dại, dại sao có cả tỉ để mua?!
Nguyên do là giới nhiều tiền cần một món đồ chơi thật trừu tượng để bỏ tiền mua một niềm tin sắt đá. Giới buôn tranh đã cho họ điều đó, chứ không phải cho họ chỉ một bức tranh. Ông Quyết cũng cho cộng đồng đầu tư chứng khoán một niềm tin sắt đá, hay ít ra là những trò chơi thú vị, hấp dẫn, chứ không đơn thuần chỉ cho họ một tờ giấy mệnh giá 10.000 đồng vô tri vô giác.
Khi thì dự án này sắp khởi công với diện tích trải dài mấy huyện ở tỉnh phía Bắc, lúc thì máy bay Bamboo mở đường bay mới sang tận Mỹ… Những thông tin chỉ nghe thôi nhà đầu tư đã phải xiêu lòng. Ông Quyết đã thổi hồn da diết vào từng mã cổ phiếu những nguyên liệu dệt nên niềm tin yêu bất diệt. Dân chơi trên sàn đón nhận điều đó, dù từ trước khi bị bắt họ cũng đã nghe phong phanh các chiêu trò của ông, chính họ cũng thừa nhận: “anh Quyết gian lắm”. Vậy nên nhiều người hả hê khi ông Quyết bị bắt. Nhưng đâu đó vẫn có người suy nghĩ khác một chút. Cách đây vài ngày, người viết tình cờ gặp lại nhà đầu tư tên Tuấn kể trên. Đưa chuyện này ra hỏi lại, quan điểm của Tuấn vẫn không thay đổi. Tuấn cho biết nếu có nhân vật nào tương tự, anh sẽ vẫn đặt cược vào cửa đó!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận