Vĩ mô nhiều thuận lợi, chứng khoán Việt chờ đợi điểm phá vỡ
Tại chương trình Vietstock LIVE ngày 06/12 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam 2025 - Cơ hội và thách thức", các chuyên gia đánh giá bức tranh vĩ mô Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi, đồng thời kỳ vọng thị trường chứng khoán sớm bứt phá.
Bức tranh vĩ mô 2025 có gì?
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Phân tích Ngành và Cổ phiếu Công ty Chứng khoán MB (MBS), sau quý 2 và quý 3 tăng trưởng kinh tế vượt bậc, chuyên gia đến từ MBS dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 của Việt Nam sẽ đạt mức 6.9%.
Hướng đến giai đoạn năm 2025 - 2026, nhiều tổ chức dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ổn định khi lạm phát hạ nhiệt và chính sách tiền tệ nới lỏng.
Với kinh tế Mỹ, hiện tại có thể không còn ai nhắc đến câu chuyện suy thoái nữa mà thay vào đó bắt đầu nghĩ đến kịch bản hạ cánh mềm và thoát khỏi suy thoái. Hay Trung Quốc vừa qua đã tung hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế mới nhằm vực lại thị trường bất động sản và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, kể đến như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất tái chiết khấu, tung gói kích thích đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các dự án bất động sản dở dang.
Với bức tranh thế giới tương đối ổn định, Việt Nam sẽ có nhiều khả năng để tăng trưởng tốt, dự báo đạt 6.7% trong năm 2025 và 6.5% trong năm 2026. Lực kéo có thể đến từ tiêu dùng phục hồi trở lại, bên cạnh giải ngân đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ hơn với các dự án nổi bật là sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp năm 2024 có mức nền tương đối cao có thể khiến tăng trưởng trong năm 2025 chậm lại.
Nguồn: Vietstock LIVE
Bên cạnh nhiều yếu tố tích cực, vẫn sẽ có 3 rủi ro phải cẩn trọng:
Câu chuyện tiền rẻ khó xảy ra
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên hạ lãi suất, bắt đầu từ tháng 3 - 4/2023, mãi sau đó mới đến lượt EU và Mỹ. Trong quá trình hạ lãi suất của thế giới, Việt Nam cũng ít có khả năng hạ thêm, bởi lãi suất đang ở mức thấp, bên cạnh lãi suất tại Mỹ khả năng vẫn neo cao và chênh lệch lãi suất thực giữa Mỹ và Việt Nam sẽ tạo ra sự ràng buộc.
Do đó, chúng ta chỉ kỳ vọng áp lực tỷ giá đối với Việt Nam sẽ giảm bớt, còn câu chuyện tiền rẻ tương đối khó xảy ra.
Trên thế giới, chu kỳ tiền rẻ vừa qua được thể hiện khá rõ qua việc TTCK diễn biến tích cực, điển hình là Mỹ, hay các tài sản khác như vàng và tiền số cũng ghi nhận các mức tăng tốt, một phần phản ánh quá trình Fed bắt đầu hạ lãi suất.
Còn tại Việt Nam sẽ cần thời gian dài hơn. Việc thu hút dòng vốn quay lại Việt Nam sẽ cần điều kiện kèm theo như doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận khởi sắc trong 2-3 năm (các doanh nghiệp mới chỉ thật sự khởi sắc trong năm 2024), bên cạnh yếu tố nâng hạng thị trường thành công.
Thị trường chứng khoán hướng đến thời khắc quan trọng
Theo ông Nguyễn Quang Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu Vietstock, kể từ thời điểm hình thành cho đến hiện tại, TTCK Việt Nam được phân tách làm ba chu kỳ lớn, gồm năm 2003 - 2007, 2013 - 2017 và chu kỳ mới từ năm 2023 dự kiến kéo dài đến năm 2027. Để lặp lại câu chuyện của 10 năm trước, thị trường phải vỡ kháng cự mạnh đã duy trì từ năm 2022.
Thống kê trong ba năm 2022, 2023 và 2024, sự tập trung khối lượng giao dịch nằm ở khu vực 1,270 - 1,300 điểm, do đó việc phá vỡ ngưỡng này rất khó khăn và rất có thể sẽ chứng kiến thêm một lần kiểm chứng nữa trong những ngày cuối cùng của tháng 12.
Ông Minh kỳ vọng về một sự phá vỡ, hoặc ít nhất là giữ vững vùng giá này thay vì quay đầu giảm mạnh. Cũng theo ông, vùng 1,170 - 1,220 điểm là hỗ trợ rất tốt của thị trường.
VN-Index được kỳ vọng sớm kiểm định kháng cự mạnh
Nguồn: Vietstock LIVE
Thống kê 18 tháng qua, ngành tài chính có biến động hình sin, qua đó kỳ vọng quý 1/2025 sẽ có kết quả tích cực, khi chứng kiến sự lạc quan về tăng trưởng tín dụng, kiểm soát tốt nợ xấu, thị trường bất động sản không có biến động bất thường.
Các ngành khác cũng được dự báo có kết quả vượt trội trong thời gian tới là công nghệ thông tin, tiêu dùng thiết yếu và nguyên vật liệu.
Đồng quan điểm với ông Minh, ba ngành tài chính, công nghệ thông tin và nguyên vật liệu cũng được ông Dũng ưu tiên lựa chọn, đặc biệt cho giai đoạn nửa đầu năm 2025. Ngoài ra, ngành bất động sản cũng được chuyên gia đến từ MBS nhắc tới với triển vọng gỡ vướng pháp lý, cải thiện nguồn cung.
Diễn biến phân theo ngành trong 18 tháng qua
Nguồn: Vietstock LIVE
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường