Vì đâu lợi nhuận Vietcombank sụt giảm hơn 11% trong quý I/2020?
Đà tăng lãi thuần chậm lại ở cả mảng tín dụng lẫn phi tín dụng, trong khi chi phí hoạt động tăng hai chữ số và chi phí dự phòng rủi ro tăng gần gấp rưỡi đã khiến lợi nhuận trước thuế quý I/2020 của Vietcombank sụt giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự "thụt lùi" này phải kể đến đà tăng chậm lại ở mảng tín dụng. Cụ thể, quý I/2020, thu nhập lãi thuần của Vietcombank ở mức 9.034 tỷ đồng, tăng trưởng 6,3%; trong khi năm 2019, mức tăng trưởng lên đến 21,7%.
Điểm đặc biệt là dư nợ cho vay của ngân hàng này vẫn tăng 2,7% trong quý vừa qua, cao hơn trung bình ngành (1,1%).
Nhiều khả năng, giảm lãi suất là một yếu tố quan trọng gây ra tăng trưởng thấp ở mảng tín dụng. Bằng chứng là biên lợi nhuận mảng này (đo bằng thu nhập lãi thuần/thu nhập lãi) của Vietcombank đã sụt giảm đáng kể trong quý I, từ mức 52,8% cùng kỳ năm ngoái xuống 49,9%.
Trong khi đà tăng bị hãm lại ở mảng tín dụng thì ở mảng phi tín dụng, tăng trưởng ở các mảng phi tín dụng cũng không khá khẩm hơn.
Mảng dịch vụ và ngoại hối vẫn ghi nhận tăng trưởng lãi thuần lần lượt 5,4% và 19,3%, đạt 1.127 tỷ đồng và 1.107 tỷ đồng nhưng mảng mua bán chứng khoán kinh doanh lại lỗ thuần 54,4 tỷ đồng. Trong khi đó, các hoạt động khác ghi nhận 1.039 tỷ đồng lãi thuần, giảm 10,9%.
Chốt quý, tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank đạt 12.285 tỷ đồng, tăng trưởng 4,4%.
Tuy nhiên, trong kỳ, chi phí hoạt động lại tăng tới 12%. Điều này khiến lợi nhuận thuần quý I của Vietcombank giảm 0,12% xuống 7.375 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái), Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.222 tỷ đồng, giảm 11,1%.
Tính đến hết ngày 31/3/2020, tổng tài sản của Vietcombank ở mức trên 1,14 triệu tỷ đồng, giảm 8,7% so với đầu năm, chủ yếu do suy giảm tiền gửi liên ngân hàng.
Như đã đề cập, dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng 2,7% trong quý, đạt 754.505 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,82%.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Vietcombank đến hết ngày 31/3/2020 ở mức 85.071 tỷ đồng, tăng 5,2% sau 3 tháng. Tiền gửi khách hàng đạt 934.048 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,6%; trong đó, tỷ trong tiền gửi không kỳ hạn ở mức 26% (giảm so với mức 28,3% hồi đầu năm).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận