VCCI: 10% người Việt là doanh nhân
Nếu tính cả người làm kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể, đội ngũ doanh nhân Việt Nam có thể đạt con số 10 triệu, theo Chủ tịch VCCI.
Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế. Tại Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp, giới doanh nhân Việt Nam sáng 11/10, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, 900.000 doanh nghiệp tư nhân, cùng các doanh nghiệp nhà nước, FDI, hợp tác xã đã trở thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy nền kinh tế.
Hiện, quy mô GDP Việt Nam nằm trong top 40 toàn cầu, còn quy mô thương mại thuộc top 20. Thu nhập bình quân đầu người đạt 4.110 USD, tăng gấp 48 lần so với 1986 - thời điểm bắt đầu Đổi mới.
Đại diện VCCI ước tính, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay lên đến 2-3 triệu người. Còn tính cả người làm kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể, con số này có thể đạt đến 10 triệu người. Dân số Việt Nam khoảng 100 triệu người, tức doanh nhân chiếm 10% dân số.
Ông ví doanh nhân là "nguồn lực đặc biệt của đất nước", đóng góp lớn trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của Việt Nam.
Bên cạnh niềm vui cộng đồng doanh nhân được định vị đúng vai trò, trách nhiệm, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) cho hay, họ cũng đối diện nhiều áp lực. "Doanh nghiệp chưa bao giờ đối diện với khó khăn như hiện nay và có thể kéo dài sang năm sau", ông nói.
Nhưng chính trong thách thức, Chủ tịch Thaco cho rằng, doanh nghiệp nhìn nhận được đâu là cốt lõi, nền tảng hoạt động. Do đó, theo ông, mỗi doanh nghiệp cần ý thức để lựa chọn chiến lược, điều chỉnh cách đi phù hợp thực tế để phát triển, xây dựng cộng đồng.
Thông tin từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp Việt đã có một năm nỗ lực vượt khó, đóng góp vào sự phát triển đất nước.
"Trong bối cảnh khó khăn đã xuất hiện nhiều tấm gương doanh nghiệp chủ động thích ứng, sáng tạo, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế", Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói tại buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với doanh nhân chiều cùng ngày.
Số liệu của cơ quan ngành kế hoạch cho thấy, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp mới thành lập, tái gia nhập thị trường trong quý III, tăng 18% cùng kỳ 2022. Tính chung 9 tháng, Việt Nam có trên 165.000 doanh nghiệp mới lập và quay lại thị trường, gấp 1,2 lần bình quân giai đoạn 2018-2022. Kinh tế tư nhân và nhà nước tăng trưởng trưởng tích cực so với cùng kỳ và duy trì đóng góp cho ngân sách.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, như sức mua của thị trường vẫn thấp, áp lực chi phí tăng cao, vướng mắc rào cản pháp lý, Bộ trưởng Dũng đề xuất nhiều biện pháp.
Theo đó, ông kiến nghị các bộ, ngành giải quyết ngay những bất cập được doanh nghiệp phản ánh nhiều lần, như vướng mắc trong phòng cháy chữa cháy, kiểm tra chuyên ngành.
Các bộ, ngành được đề nghị tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng khả năng tiếp cận vốn. Ông Dũng cũng đề cập đến việc vận dụng cơ chế "một luật sửa nhiều luật" với các những điểm nghẽn đã được làm rõ, đi kèm quy trình thực hiện rút gọn, để thực thi ngay.
Về phía doanh nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư lưu ý, họ cũng cần trăn trở, nỗ lực cùng Chính phủ tìm giải pháp, nắm bắt thời cơ để tự lớn mạnh và đóng góp vào phát triển đất nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận