Vàng trên đà tăng thẳng đứng
Giá vàng giao dịch trên thị trường quốc tế sáng nay tiếp tục đà tăng thêm 7 USD/ounce lên 1.832 USD/ounce trước đà suy yếu của USD. Vàng SJC bỏ xa mức 59 triệu đồng/lượng (bán ra).
Lạm phát tại Mỹ và châu Âu nóng lên, nên giới đầu tư tài chính chưa dừng lại việc bán ra USD khiến sức khỏe của đồng bạch xanh tiếp tục suy yếu, nhưng ngược lại tác động tích cực lên thị trường vàng.
Tỷ giá USD tiếp tục đi xuống khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng được phát hành. USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, xuống 93,95 điểm sáng nay.
Thêm vào đó, lãi suất trái phiếu Mỹ từ 1,48%/năm xuống còn 1,422%/năm đã ngăn cản dòng tiền chảy vào trái phiếu. Nhiều người đã dịch chuyển một phần vốn vào vàng khiến giá kim loại quý này có thêm động lực để đi lên.
Thị trường đang hướng vào cuộc họp được công bố kết quả vào rạng sáng 11/11, Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 với mức tăng được dự báo cao hơn tháng trước sẽ làm cho lạm phát tại Mỹ tăng mạnh
Một số nhà đầu tư lo ngại rằng nhu cầu tiêu dùng và tăng trưởng của Mỹ có thể chậm lại do ít kích thích hơn và giá cao.
Báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 của Mỹ tăng 0,6%, phù hợp với kỳ vọng của thị trường và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù phù hợp với các dự báo nhưng chỉ số PPI không làm giảm bớt bất kỳ lo ngại nào về áp lực lạm phát gia tăng.
Các nhà giao dịch kim loại hiện tập trung nhiều hơn vào các khía cạnh tăng giá của lạm phát gia tăng và ít tập trung hơn vào chính sách tiền tệ của Fed.
Các ngân hàng trung ương lớn, tuần trước, cho biết lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp trong thời gian tới, thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng và giúp kim loại quý ghi nhận tuần tốt nhất kể từ cuối tháng 8/2021.
Ngân hàng Trung ương châu Âu là một trong những ngân hàng trung ương ôn hòa nhất, dữ liệu không đồng nhất và hiện các quốc gia trên khắp châu Âu đang phải vật lộn với làn sóng coronavirus thứ tư.
Tuy nhiên, thị trường lao động Mỹ thắt chặt và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể khiến giá tiêu dùng của Mỹ tăng cao.
Trong ngắn hạn, thị trường sẽ theo sát dữ liệu kinh tế để tìm kiếm phản hồi của Fed trong vấn đề chính sách tiền tệ. Nếu chỉ số giá tiêu dùng cao hơn kỳ vọng thì thị trường chắc chắn sẽ hướng về khả năng Fed sẽ sớm tăng lãi suất.
Theo các nhà phân tích của TD Securities, giá vàng đang trên đà của sự bứt phá. Một đợt tăng vượt mốc 1.830 USD/ounce và có thể kích hoạt một mô hình kỹ thuật, điều có thể đưa vàng trở lại mốc 2.000 USD/ounce.
Vàng thế giới tăng kéo theo giá vàng miếng SJC trên thị trường nội địa tăng theo. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC niêm yết giá vàng miếng mua vào với giá 58,7 triệu đồng/lượng và bán ra 59,4 triệu đồng/lượng, tăng thêm 100.000 đồng/lượng so phiên hôm qua… Còn nếu tính chung 10 ngày qua, vàng miếng SJC đã tăng gần 1 triệu đồng/lượng.
Vàng SJC tại doanh nghiệp Phú Quý và hệ thống PNJ, giá mua tăng 50.000 đồng/lượng và giá bán tăng 100.000 đồng/lượng. Cùng thời điểm khảo sát, giá vàng tại Tập đoàn Doji đi ngang (mua vào) và tăng 50.000 đồng/lượng (bán ra). Vàng SJC tại doanh nghiệp Phú Quý và hệ thống PNJ, giá mua tăng 50.000 đồng/lượng và giá bán tăng 100.000 đồng/lượng.
Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, hiện mỗi lượng vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới khoảng 9 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).
Ngày 10/11, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.100 VND/USD, giảm 9 đồng so với hôm qua. Còn một số ngân hàng thương mại giữ nguyên giá giao dịch như Vietcombank mua vào 22.530 VND/USD và bán ra 22.760 VND/USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận