Vàng lại tăng nóng, thách thức quản lý thị trường
Tuần qua, giá vàng miếng SJC lên mức cao nhất từ trước đến nay 85,8 triệu đồng. Bình quân 4 tháng đầu năm, giá vàng trong nước tăng 20,75%.
Bất chấp vàng thế giới giảm, vàng trong nước lập đỉnh mới
2 tuần gần đây, giá vàng miếng trong nước tái diễn tình trạng diễn biến ngược chiều so với thế giới.
Trong khi giá kim loại quý trên thị trường quốc tế trong tuần có xu hướng đi xuống, trượt xuống mức hỗ trợ khoảng 2.300 USD/ounce (giảm gần 150 USD so với đỉnh 2.431 USD/ounce hôm 12/4); giá vàng miếng trong nước lại xác lập kỷ lục mới và nới rộng khoảng cách với thế giới. Giá vàng miếng SJC lên gần 86 triệu đồng, giao dịch ở 83,5- 85,8 triệu đồng (mua vào-bán ra). Đây là mức giá cao kỷ lục của vàng miếng SJC từ trước đến nay.
Trạng thái nói trên của giá vàng diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hủy đấu thầu 16.800 lượng vàng sáng 3/5 với nguyên nhân chỉ có một đơn vị nộp thầu. NHNN đã 4 lần thông báo lịch đấu thầu vàng miếng SJC vào các ngày 22/4, 23/4, 25/4 và 3/5, nhưng có đến 3 phiên bị hủy do không có đủ số thành viên đăng ký dự thầu. Chỉ có 1 phiên đấu thầu vàng thành công nhưng cũng chỉ cung ra thị trường được 3.400 lượng vàng.
Sau nhiều phiên đấu thầu không thành công, giá vàng miếng SJC đã cao hơn thế giới 15 triệu đồng/lượng (từ chỗ chỉ chênh 9 triệu đồng/lượng trước đấu thầu).
Qua 4 phiên đấu thầu vàng cho thấy sự can thiệp thị trường vàng từ NHNN chưa thành công. Các chuyên gia lo ngại, câu chuyện kéo giá vàng trong và ngoài nước bám sát nhau xem ra sẽ khó khăn hơn khi giá vàng thế giới đang có xu hướng giảm xuống mức 2.250 USD/ounce, còn giá vàng trong nước cứ đi lên. Với diễn biến giá vàng hiện nay, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam lo ngại, mục tiêu thu hẹp giá vàng miếng và quốc tế trong ngắn hạn bị thách thức. Nguy cơ giá vàng miếng SJC đắt hơn quốc tế lên lại mức 18 - 19 triệu đồng/lượng trong thời gian tới.
Đợi những giải pháp quản lý thị trường vàng đủ mạnh
Báo cáo của Bộ KH&ĐT tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 cho hay, chỉ số giá vàng tháng 4 trong nước tăng 6,95% so với tháng trước và tăng trên 17% so với tháng 12/2023, tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm, giá vàng trong nước tăng 20,75%.
Đến 23/4, huy động vốn giảm 0,52% so với cuối năm 2023. Trong đó huy động tiền đồng giảm 0,08% và USD hạ 6,26%. Đây là chỉ số cho thấy người dân, doanh nghiệp đang bỏ bớt tiền vào ngân hàng hơn và quay sang các kênh đầu tư khác hiệu suất sinh lời tốt hơn là gửi tiết kiệm.
Vốn được coi là “hầm trú ẩn”, song vàng đang trở thành kênh đầu tư mang lại tỷ suất lợi nhuận cao nhất từ đầu năm đến nay. Giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại trong những ngày qua vẫn duy trì ở mức cao, quanh mốc mua vào 25.117 VND/USD và bán ra 25.454 VND/USD cũng là yếu tố góp phần đẩy giá vàng tăng trên thị trường trong nước.
Các chuyên gia kiến nghị, NHNN quy định khối lượng tối thiểu là 500 lượng. Như vậy là vừa sức và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vàng cùng tham gia, qua đó tăng nguồn cung vàng miếng SJC ra thị trường. Còn hiện nay với quy định mua tối thiểu 1.400 lượng nên rất ít doanh nghiệp vàng dám tham gia vì 1.400 lượng vàng theo mức giá hiện tại lên đến gần 120 tỷ đồng. Thêm vào đó mức giá đặt cọc cũng như giá sàn quá cao cũng khiến doanh nghiệp không mặn mà.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, có lẽ NHNN cũng không muốn đối mặt với các rủi ro pháp lý về mặt điều hành chính sách, vì nếu xác định mức giá đấu thầu quá thấp so với giá thị trường đang giao dịch, cần phải có những cơ chế chấp nhận thiệt hại về mặt ngân sách nếu có. Ngoài ra, việc cung ứng thêm cho thị trường qua phương pháp đấu thầu dù đáp ứng đúng các quy định về mặt quy trình, nhưng dường như chỉ có tính chất giải tỏa tâm lý hơn là mang lại hiệu quả thật sự tăng cung cho thị trường.
“Giá đấu thầu bằng giá quốc tế, bảo đảm vàng trong nước sẽ xuống giá ào ào... Nhưng lúc đó người dân sẽ gom vàng tích trữ và cung sẽ lại không đủ cầu vàng lại lên như cái vòng luẩn quẩn...”- một chuyên gia tài chính nói. Cũng không loại trừ khả năng các đại lý kinh doanh vàng, các tiệm vàng vẫn neo giá cao hòng kiếm lợi nhuận từ chênh lệch lớn, cũng như nhằm hạn chế rủi ro trước biến động giá thế giới quá lớn.
Theo quan điểm của vị này đấu thầu thất bại là chuyện đã lường trước. NHNN cũng không có thẩm quyền đặt giá thầu thấp nhằm cố bình ổn thị trường. Chỉ có cơ chế chính sách hợp lý mới uốn nắn thị trường đi dần vào sự ổn định.
Hiện còn tồn tại 3 vấn đề dai dẳng gồm: chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn đang rất lớn; vàng nhập lậu; và sốt vàng.
Đến nay liên tiếp nhiều chỉ đạo của Thủ tướng đã được nêu ra, nhưng quá trình ban hành và triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng trong bối cảnh mới, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, mà chưa có những giải pháp mới đủ mạnh, sắc bén được triển khai để quản lý hiệu quả thị trường vàng. Các chuyên gia kinh tế đều kiến nghị NHNN sớm thay đổi chính sách quản lý với thị trường vàng, việc chậm trễ sẽ làm thị trường thêm bất ổn.
Lãi suất tiết kiệm thấp, thị trường chứng khoán trồi sụt, bất động sản chưa phục hồi, trong khi vàng tăng phi mã khiến nhà đầu tư có tâm lý sốt ruột, sợ bị bỏ lỡ. Nguồn cung vàng trên thị trường hạn chế trong bối cảnh các cơ quan chức năng dồn dập kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng càng làm vàng trở nên “nóng” hơn. Qua hai tháng kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 145 vụ vi phạm kinh doanh vàng, xử phạt hành chính vi phạm hành chính gần 3 tỷ đồng. (Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thế Hùng)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận