Vàng “điên loạn” đến bao giờ?
Thị trường vàng thế giới lẫn trong nước vừa có 1 tuần nhảy múa và liên tục lập kỷ lục mới.
Diễn biến giá vàng SJC trong tuần qua (08-16/04/2024) liên tục nhảy múa
Nguồn: Giavangvietnam
Trong nước, giá vàng miếng SJC đã lập kỷ lục mới với giá 83-85 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào - bán ra ngày 12/04/2024. Dù sau đó có giảm giá về 83.1-80.6 triệu đồng/lượng ở chiều mua - bán vào phiên cuối tuần (14/04), đây cũng là tuần tăng thứ hai liên tiếp của giá vàng SJC. Đến sáng 16/04, giá vàng trong nước mở cửa ở mức 82.3-84.3 triệu đồng/lượng ở chiều mua - bán.
Không những thế, giá vàng nhẫn cũng lập kỷ lục khi tăng đến 3.1 triệu đồng/lượng và đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 74.3-76.2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào - bán ra. Trong tuần, có thời điểm giá vàng nhẫn chạm đỉnh 77 triệu đồng/lượng.
Giá vàng ngày 14/04/2024 tại một số thương hiệu lớn
Nguồn: Giavangvietnam
Diễn biến giá vàng trong nước tuần qua tăng cao theo đà nhảy vọt của giá vàng thế giới. Kim loại quý ghi nhận tuần biến động dữ dội khi có thời điểm nhảy vọt lên đỉnh mọi thời đại trên mốc 2,430 USD/oz, trước khi lao dốc trong phiên cuối tuần về 2,344 USD/oz. Đến sáng 15/04, hợp đồng vàng tiến lên mức 2,365.09 USD/oz.
Giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh
Nguồn: VietstockFinance
Nhiều ý kiến cho rằng, vàng thường trở nên hấp dẫn hơn trong những giai đoạn giá cả tăng cao. Trong ngày 12/04/2024, Bộ Lao động Mỹ ghi nhận giá nhập khẩu của Mỹ có quý tăng mạnh nhất trong khoảng hai năm. Trước đó, trong ngày 09/04, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 đã vượt kỳ vọng của các nhà kinh tế.
Hay như theo nhà phân tích Dudchenko, bất ổn địa chính trị, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương tăng, cũng như hoạt động đầu cơ trên thị trường tiếp tục ảnh hưởng đến giá vàng thế giới. Đồng thời, kỳ vọng của những người tham gia thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất cũng có thể ảnh hưởng đến giá kim loại quý này.
Giá vàng tăng do kỳ vọng của nhà đầu tư và nhà đầu cơ
Dưới góc nhìn của mình, ông Thịnh cho rằng, hiện nay không có nhiều lý do để giá vàng thế giới tăng cao như vừa qua. Giá vàng liên thông với đồng USD, trong khi đồng USD đang tăng giá, nhưng giá vàng thế giới vẫn tăng.
Có một số ý kiến cho rằng nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu vàng hơn, làm cho giá vàng thế giới tăng, ông Thịnh cho rằng cũng không hẳn. Từ đầu năm đến nay, nhập khẩu khoảng 40-50 tấn, nhưng nếu so với năm 2021 thì gấp 4 lần, nhưng nếu so với năm 2023 thì chỉ bằng 40%, rõ ràng là nhu cầu vàng nhập khẩu giảm so với năm ngoái và do vậy đó cũng không phải lý do đẩy giá vàng tăng.
Ông Thịnh đánh giá, các nhân tố cả cung cầu, giá trị thực của đồng USD so với vàng đều không tạo cơ hội để vàng tăng giá, chỉ còn một lý do chính là yếu tố tâm lý, kỳ vọng của nhà đầu cơ và nhà đầu tư. Kỳ vọng này được dựa trên việc giảm lãi suất của Fed. Trong 4 cuộc họp gần nhất của Fed, trước kỳ vọng Fed hạ lãi suất của các nhà đầu tư và kinh doanh vàng làm cho vàng tăng lên mạnh mẽ và không giảm xuống được.
Tuy nhiên, thực tế có thể thấy rõ, nếu nói việc kỳ vọng Fed hạ lãi suất làm ảnh hưởng đến đồng USD giảm giá, từ đó ảnh hưởng đến giá vàng thì hoàn toàn không có, do đó vàng tăng chỉ còn là kỳ vọng và vấn đề là kỳ vọng này đến đâu.
Kỳ vọng lại khó đoán định, nếu như các nhà kinh doanh vàng vẫn kỳ vọng thì thậm chí cuối năm nay có thể tăng giá lên 2,500 USD/oz.
Nhưng ở góc độ chủ quan, vị chuyên gia lại dự báo giá vàng thế giới sẽ giảm về 2,050-2,100 USD/oz, vì không có lý do để tăng. Kỳ vọng thì khó đoán, cho nên nằm ngoài các nhân tố bình thường, giá vàng đang chịu tác động bởi yếu tố tâm lý là chính.
Về giá vàng trong nước, hiện tại cũng đang ở mức khá cao, thế nhưng làm sao để can thiệp? Việt Nam không tự sản xuất được vàng và Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng không thể can thiệp để kéo giá vàng xuống trong tình hình giá vàng thế giới tăng liên tục. Và kinh tế Việt Nam cũng đã hội nhập với thế giới, và giá vàng trong nước cũng sẽ tăng theo giá vàng thế giới.
Ông Thịnh cho rằng, việc sớm sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng không quá ảnh hưởng đến giá vàng trong nước, mà chỉ làm ảnh hưởng chênh lệch giá trị vàng miếng, vàng nhẫn trong nước so với giá vàng thế giới.
NHNN phải có động thái cụ thể, không nên kiểm soát
Giá vàng nhẫn đang tăng là do Chính phủ siết nhập khẩu vàng lậu, cũng gây áp lực khá nhiều đối với thị trường chính thức. Do đó, NHNN cần phải có ít nhất động thái cụ thể với thị trường vàng.
Tuần qua, trước diễn biến giá vàng tiếp tục tăng nóng và xô đổ kỷ lục trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24, trong đó theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định để can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.
Ngay sau đó, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cũng đã lên tiếng, để ổn định thị trường, NHNN đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp; đồng thời thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các TCTD trên toàn quốc vào các năm 2022, 2023… Đối với thị trường vàng miếng, thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới.
Ngày 15/04/2024 vừa qua, NHNN cho biết đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. Như vậy sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại tổ chức đấu thầu vàng miếng.
Hiện có 26 đơn vị, bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với NHNN. Trong số đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận