menu
Vấn đề của Nga khi “con bò sữa” ngấm đòn trừng phạt
Nguyễn Ngọc Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vấn đề của Nga khi “con bò sữa” ngấm đòn trừng phạt

Thâm hụt ngân sách của Moscow đã tăng cao hơn dự kiến. Chi tiêu xã hội cũng sẽ cao hơn khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chuẩn bị tranh cử nhiệm kỳ thứ 5.

Thâm hụt ngân sách của Nga đã tăng cao hơn dự kiến vào năm ngoái do doanh thu từ dầu khí giảm tới gần 1/4 trong khi Điện Kremlin có kế hoạch tăng chi tiêu quân sự gần 70% vào năm 2024 – năm thứ 3 của cuộc chiến ở Ukraine.

Sự sụt giảm doanh thu của ngành dầu khí Nga – “con bò sữa” giúp “hái” ra tiền cho ngân sách liên bang của Moscow – diễn ra trong bối cảnh dòng chảy khí đốt Nga sang châu Âu giảm, giá dầu yếu hơn trên thị trường toàn cầu và phương Tây siết lại biện pháp trần giá đối với dầu Nga.

Mọi thứ đều sụt giảm

Cụ thể, theo dữ liệu do Bộ Tài chính Nga công bố hôm 11/1, doanh thu từ dầu khí của Nga đã giảm 23,9% xuống còn 8.822 tỷ Rúp (99,4 tỷ USD) vào năm 2023 so với năm trước đó.

Sự sụt giảm này là kết quả của giá dầu thấp hơn so với năm 2022, giá dầu thô Urals hàng đầu của Nga thấp hơn vào đầu năm 2023, giá khí đốt tự nhiên và lượng xuất khẩu cũng ít hơn, Bộ tài chính Nga cho biết trong ước tính sơ bộ về hiệu quả ngân sách năm 2023.

Trong cả năm 2023, chính phủ Nga đã lập ngân sách cho doanh thu liên bang là 8.939 tỷ Rúp từ việc bán dầu và khí đốt, hay hơn 34% tổng doanh thu ngân sách, giảm so với mức 11.586 tỷ Rúp vào năm 2022, khi giá dầu cao hơn.

Đầu tuần này, Bộ tài chính Nga cho biết, giá trung bình của dầu Urals là 62,99 USD/thùng vào năm 2023, so với 76,09 USD/thùng vào năm 2022.

Vấn đề của Nga khi “con bò sữa” ngấm đòn trừng phạt
Các toa xe chở dầu và nhiên liệu tại một điểm tiếp nhận ở Riga, Latvia, ngày 2/2/2023. Ảnh: Getty Images

Giá dầu Urals đã vượt mức trần 60 USD/thùng của phương Tây vào cuối mùa hè năm 2023 khi giá chuẩn quốc tế tăng. Mức giá trần 60 USD/thùng do G7 và EU đặt ra đối với dầu thô Nga bán cho các nước thứ 3 sử dụng bảo hiểm và phương tiện vận chuyển của phương Tây.

Tuy nhiên, việc giá trung bình của dầu thô Nga vào năm 2023 thấp hơn so với năm 2022 đã đè nặng lên nguồn thu ngân sách của Moscow vào năm ngoái. Giảm xuất khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống sang châu Âu cũng ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

Xuất khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống của Tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom sang châu Âu giảm 55,6% vào năm 2023, sau khi Nga cắt nguồn cung cho một số nước EU và đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) 1 và 2 dẫn khí đốt qua Biển Baltic bị hư hại và phải ngừng hoạt động vào cuối năm 2022. Các vụ nổ trên cặp đường ống khổng lồ cho tới nay vẫn là bí ẩn.

Khối lượng khí đốt hàng ngày của Nga qua đường ống còn lại tới châu Âu đã giảm mạnh xuống còn 77,6 triệu m3 vào năm 2023 từ mức 174,8 triệu m3 vào năm 2022, theo ước tính của Reuters dựa trên dữ liệu từ báo cáo hàng ngày của Tập đoàn truyền tải khí đốt châu Âu Entsog và Gazprom về quá cảnh qua Ukraine.

Những vấn đề về ngân sách

Trong bối cảnh doanh thu từ dầu khí năm 2023 giảm gần 1/4 và Điện Kremlin có kế hoạch tăng chi tiêu quân sự gần 70% vào năm 2024, thâm hụt ngân sách của Nga đã tăng cao hơn dự kiến. Chi tiêu xã hội cũng sẽ cao hơn khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chuẩn bị tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 trong cuộc bầu cử vào tháng 3 tới.

Dữ liệu của Bộ Tài chính Nga cho thấy “lỗ hổng” tài chính lên tới 3.200 tỷ Rúp (36,1 tỷ USD), tương đương 1,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Con số này cao hơn 300 tỷ Rúp so với cả mục tiêu ngân sách và ước tính cuối tháng 12/2023 của Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov.

Vấn đề của Nga khi “con bò sữa” ngấm đòn trừng phạt
Một tàu chở dầu neo đậu ở Novorossiysk, miền Nam nước Nga. Ảnh: Financial Times

Mặc dù doanh thu dầu khí giảm, ngành này vẫn đóng góp tới gần 1/3 tổng thu ngân sách của Nga năm 2023. Nguyên nhân sụt giảm, bên cạnh các yếu tố bao gồm giá cả thị trường và lượng xuất khẩu giảm, còn do các khoản trợ cấp hào phóng của nhà nước Nga dành cho ngành dầu mỏ của mình và các biện pháp trừng phạt năng lượng chặt chẽ hơn của phương Tây.

Kể từ giữa tháng 10 năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ đã tăng cường giám sát việc tuân thủ giới hạn giá, áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số tàu chở dầu, chủ sở hữu của họ và các nhà kinh doanh dầu thô bị cáo buộc vi phạm biện pháp này.

Các thương nhân cho biết, các lệnh trừng phạt đã có tác động làm tăng chi phí cho các nhà xuất khẩu của Nga. Điều này cũng làm tăng rủi ro cho khách mua dầu Nga và kết quả là mức chênh lệch giá dầu Urals so với dầu thô Brent ngày càng tăng. Theo số liệu của Bộ Tài chính Nga, khoảng cách này lên tới gần 14 USD/thùng vào tháng 12/2023.

Mặc dù mức giảm giá hiện tại nhỏ hơn nhiều so với khoảng cách giá lên tới trên 30 USD/thùng được thấy ngay sau khi ông Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine hồi tháng 2/2022, nhưng nó vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình lịch sử khoảng 2-3 USD/thùng.

Vấn đề của Nga khi “con bò sữa” ngấm đòn trừng phạt
Trạm tiếp nhận đường ống dẫn dầu Druzhba giữa Hungary và Nga với tấm bia tưởng niệm quá trình xây dựng tại Nhà máy lọc dầu Duna (Danube) của MOL Hungary gần thị trấn Szazhalombatta, phía Nam Budapest. Ảnh RFE/RL

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nga, quyết định của Nga cắt phần lớn nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống sang châu Âu đã khiến thu ngân sách từ thuế xuất khẩu khí đốt giảm hơn 65% xuống còn 566 tỷ Rúp vào năm ngoái. Nga hiện cung cấp khí đốt theo hướng Tây qua Ukraine và chỉ qua một nhánh của đường ống TurkStream băng qua Biển Đen.

Doanh thu từ thuế sản xuất khí đốt giảm 35% hàng năm vào năm ngoái phản ánh khoản thuế bạo lợi mà Gazprom phải trả vào nửa cuối năm 2022.

Chính phủ Nga cũng đã trả 2.900 tỷ Rúp trợ cấp cho ngành dầu mỏ vào năm ngoái, làm giảm thêm con số thu ngân sách ròng, dữ liệu của Bộ Tài chính Nga cho thấy. Con số này so với 3.100 tỷ Rúp chi tiêu ngân sách cho chăm sóc sức khỏe và giáo dục cộng lại.

Trong nỗ lực tăng thu ngân sách, chính phủ Nga đã cắt giảm một nửa khoản trợ cấp cho ngành dầu mỏ vào tháng 9/2023. Động thái này dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu trên khắp nước Nga, buộc Điện Kremlin phải khôi phục toàn bộ trợ cấp và thậm chí áp đặt lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu tạm thời để ổn định giá cả trong nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
66.19 -1.01 (-1.50%)
71.09 -0.03 (-0.05%)
prev
next

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả