Tuần lễ nhạy cảm của chứng khoán Việt trước áp lực chiến tranh thương mại
Đối mặt với những căng thẳng bất ngờ quay trở lại trong vấn đề thương mại Mỹ - Trung, TTCK toàn cầu vừa trải qua một tuần lễ đầy sóng gió với kết quả sụt giảm sâu trong phần lớn thời gian trong tuần trước khi hồi phục trở lại trong ngày cuối của tuần. TTCK Việt Nam đứng trước rủi ro hệ thống cũng ghi nhận kết quả giảm mạnh trong tuần này, VN-Index rơi 2,2% và HNX-Index cũng suy giảm gần 1% trong tuần. Khối ngoại cũng có một tuần giao dịch không tích cực khi bán ròng gần 500 tỉ đồng tại HSX.
Tâm điểm trong tuần qua dồn hết cho diễn biến căng thẳng thương mai Mỹ - Trung. Bắt đầu bằng “một dòng tweet” của tống thống Trump và việc sẽ nâng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc do cho rằng quốc gia này thiếu thiện chí trong việc đàm phán, chứng khoán toàn cầu đã “chao đảo” với hàng loạt những đồn đoán về khả năng đổ vỡ hoàn toàn việc đàm phán đang diễn ra. Tình trạng chỉ thật sự có một số cải thiện ở phiên ngày 10/5, khi thuế quan mới có hiệu lực và việc đàm phán vẫn diễn ra trong thời gian đó với sự tham gia đầy đủ của các quan chức cấp cao 2 bên, gợi ý về việc đàm phán vẫn tiếp tục bất kể những căng thẳng đến từ mức thuế quan mới.
Cho đến cuối tuần này, hàng loạt những thông tin tốt xấu đan xen về vấn đề này vẫn liên tục xuất hiện. Ở chiều tích cực, trong ngày 10/5 tổng thống Trump đưa ra đánh giá cho thấy “Mỹ và Trung Quốc đã có những trao đổi chân thành và mang tính xây dựng về tình trạng thương mại giữ hai nước” và các xác nhận sau đó của hai quốc gia cũng cho biết sẽ tiếp tục sớm có vòng đám phán tiếp theo tại Bắc Kinh, những thông tin này đã kích thích phố Wall bật tăng trở lại trong khoảng thời gian cuối phiên ngày thứ Sáu.
Tuy nhiên gần như ngay sau đó và cuối ngày 10/5, tổng thống Trump tiếp tục “đăng tweet” với nội dung “quy trình áp thuế 25% cho 325 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc còn lại đã bắt đầu,…” và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng đã xác nhận quy trình lấy ý kiến công chúng sẽ bắt đầu ngay từ ngày 13/5. Hãng tin Bloomberg dẫn một số nguồn tin trong chính quyền Mỹ cho biết Trung Quốc sẽ có khoảng một tháng để đạt được thỏa thuận trước khi hiệu lực thuế quan mới này được kích hoạt khi đã hoàn tất các quy trình có liên quan.
Có thể thấy trong bối cảnh rủi ro hệ thống đang ở mức khó lường như hiện nay, tuần lễ giao dịch tiếp theo sẽ rơi vào một giai đạon nhạy cảm khi khả năng các thông tin “trọng yếu” (tốt hoặc xấu) có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào và thay đổi hoàn toàn kỳ vọng của giới đầu tư toàn cầu. Một kịch bản tích cực sẽ có thể là quá trình đàm phán được tiếp diễn và các biện pháp đáp trả của Trung Quốc chỉ dừng ở mức “chừng mực” để tạo ra không gian cho việc đàm phán.
Ngược lại, một sự đáp lại “ăn miếng trả miếng” của Trung Quốc và bế tắc trong thiết lập vòng đám phán mới sẽ có thể một lần nữa đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu rơi vào vòng xoáy hoảng sợ như điều đã xảy ra trong nửa đầu của tuần này.
Trong một bối cảnh như vậy, việc hạn chế giao dịch, duy trì tỷ trọng tiền mặt ở mức cao hơn có vẻ sẽ là chiến lược hợp lý khi nhà đầu tư đang phải đối diện với quá nhiều điều bất định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận