Từ vụ “bán chui” cổ phiếu FLC: Cần sửa chế tài và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư
Việc ông Trịnh Văn Quyết “bán chui” hơn 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/01/2022 làm nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái “ngồi trên đống lửa” vì đã đua nhau mua ở giá trần 24.100 đồng, ngay sau đó cổ phiếu FLC nằm sàn liên tục và đến kết thúc phiên ngày 13/01/2022 chỉ còn 17.300 đồng (lỗ hơn 28% nếu mua ở giá 24.100 đồng).
Dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định hủy bỏ giao dịch bán cổ phiếu FLC của ông Quyết (người nào mua cổ phiếu FLC của ông Quyết trong ngày 10/01/2022 sẽ được trả lại tiền, ông Quyết nhận lại cổ phiếu), nhưng đối với nhà đầu tư khác vẫn bị thiệt hại, con số thiệt hại là bao nhiêu thì rất khó xác định.
Đau lòng hơn là từ cổ phiếu có lượng thanh khoản vài chục triệu cổ phiếu/phiên thì phiên ngày 13/01/2022 thanh khoản chưa tới 900 nghìn cổ phiếu, trong khi lượng dư bán với giá sàn 17.300 đồng là hơn 59 triệu cổ phiếu; điều này có nghĩa giữ cổ phiếu trong tay mà không thể chuyển đổi thành tiền, dù đã bán “rẻ”.
Hiện tại, nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu dòng FLC nói riêng và các nhà đầu tư khác rất bức xúc trước việc “bán chui” cổ phiếu của ông Quyết, họ muốn hình phạt nghiêm khắc nhất với ông, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, theo Nghị định 128/2021/NĐ-CP (bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022), đối với hành vi “bán chui” cổ phiếu thì mức phạt tối đa chỉ là 1,5 tỷ đồng với cá nhân; 3 tỷ đồng với tổ chức. Mức phạt này rõ ràng không đảm bảo tính răn đe, không làm nhà đầu tư vơi đi nỗi đau, sự tổn thất mà họ đang gánh chịu; nhiều người rất muốn cơ quan có thẩm quyền “truy cứu trách nhiệm hình sự”; song với hành vi “bán chui” cổ phiếu FLC của ông Quyết rất khó cấu thành tội phạm tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tất nhiên, qua sự việc này thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo mức phạt đủ tính răn đe. Nhưng điều chỉnh quy định như thế nào cho phù hợp, hiệu quả, tránh tình trạng sửa chỗ này thì họ lại lách chỗ kia... thì đó không phải là dễ, làm ngay được.
Mặt khác, vấn đề mấu chốt mà nhà đầu tư quan tâm khi đầu tư chứng khoán là “minh bạch thông tin, hạn chế rủi ro và tăng lợi nhuận” chứ không phải là chế tài cho “kẻ vi phạm là như thế nào”; bởi vì, xử phạt người vi phạm nặng nhưng không hạn chế thiệt hại cho nhà đầu tư thì cũng là vô nghĩa. Theo tôi, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên thay đổi cơ chế từ hậu kiểm (sau khi phát hiện giao dịch nếu không đúng thì hủy bỏ) sang tiền kiểm (chỉ khi nào người nội bộ và người có liên quan thực hiện thông báo dự kiến giao dịch đúng quy định pháp luật thì mới cho phép tài khoản chứng khoán được giao dịch, và tài khoản chứng khoán chỉ được giao dịch trong thời gian xin phép theo quy định). Như vậy, sẽ hạn chế được thiệt hại không đáng có cho nhà đầu tư, thị trường chứng khoán minh bạch, và là “phong vũ biểu” của nền kinh tế Việt Nam.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận