menu
Từ thành tựu kinh tế 2024 tới mục tiêu khả thi trong 2025
Vương Tiến Thành
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Từ thành tựu kinh tế 2024 tới mục tiêu khả thi trong 2025

Trong năm 2024, xuất khẩu vẫn là động lực cho tăng trưởng, nông nghiệp giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế và đầu tư tư nhân có dấu hiệu cải thiện. Mức tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5% là khả thi, song Chính phủ đặt mục tiêu cao hơn thế.

Tới thời điểm hiện tại, có thể khá chắc chắn rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ đón nhận nhiều kỳ tích trong năm 2024.

Sự quyết liệt sáng suốt trong chỉ đạo, cùng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã khiến GDP bứt tốc trong những tháng cuối năm, có thể cán đích tăng trưởng trên 7%, vượt mục tiêu 6,5%-7% do Quốc hội đặt ra.

Đáng mừng hơn, sau nhiều năm lỡ hẹn, năm 2024 có thể đạt được và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Mức tăng trưởng GDP trên 7% đảm bảo chỉ tiêu GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD - 4.730 USD. Đặc biệt, theo ước tính, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động năm 2024 ước đạt 5,56%, vượt mục tiêu 4,8% - 5,3% do Quốc hội giao.

TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: "Kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt. Việc chúng ta giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế như thu chi ngân sách, nợ công, lạm phát…, tạo không gian để thực thi các chính sách tài khoá hỗ trợ sự phục hồi của doanh nghiệp".

Mục tiêu khả thi

Ngày 12/11/2024, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Theo nghị quyết, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu khoảng 7 - 7,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4,5%.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, mục tiêu 6,5 - 7%, phấn đấu 7,5% là khả thi nếu so sánh kết quả đạt được 2024 và triển vọng, tình hình chung thế giới và trong nước năm 2025 (cũng nằm trong dự báo sau điều chỉnh của các tổ chức vĩ mô quốc tế và trong nước).

Tuy nhiên, việc Chính phủ đặt ra kịch bản điều hành với mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ hơn, lên đến 8% đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đột phá về cơ cấu, nhất là phải có những chính sách và thể chế đồng bộ nhằm kích hoạt mạnh mẽ hơn nữa không gian và động lực tăng trưởng mới đến từ đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh hay kinh tế phát thải carbon thấp.

Vị chuyên gia đánh giá cao cách tiếp cận của Chính phủ, thông qua phần trả lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 13/11/2024, cũng như tại nhiều diễn đàn khác.

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cần làm mới ba động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và thúc đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm…

"Bên cạnh việc duy trì và tận dụng tối đa cơ hội và vai trò của kinh tế đối ngoại (thương mại và đầu tư quốc tế) thì cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tư nhân và muốn vậy phải kích hoạt động lực tăng cầu tiêu dùng và hàng hoá dịch vụ trong nước", TS. Nguyễn Quốc Việt gợi ý.

Theo vị chuyên gia này, cùng với các giải pháp về tạo thuận lợi môi trường kinh doanh, giảm chi phí, hỗ trợ phát triển sản xuất, thì cần tháo gỡ khó khăn lớn nhất của khu vực doanh nghiệp trong nước chính là đầu ra thị trường cho sản phẩm "made in Vietnam", nhất là các sản phẩm định hướng tới tiêu dùng chất lượng cao hơn, tiêu dùng xanh và bền vững.

Vì vậy, Chính phủ cần đẩy mạnh các chính sách liên quan tới bình ổn giá cả, triển khai thực chất chương trình ưu tiên dùng hàng Việt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa sản xuất những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh; có khả năng duy trì và chiếm lĩnh dần thị trường trong nước, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, cần kích hoạt các xu hướng tiêu dùng bền vững, tiêu dùng những mặt hàng mang giá trị nội địa cao, bất luận chúng được sản xuất bởi doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp trong nước.

"Nếu có đủ nguồn lực, chúng ta có thể chi nhiều hơn cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Nguồn nhân lực chất lượng là chìa khoá cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong tương lai", TS. Nguyễn Quốc Việt lưu ý thêm.

Theo Hoàng Hạnh/baochinhphu.vn

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả