24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngọc Diệp
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

TS. Trần Đình Thiên: Cúm Vũ Hán có thể là cơ hội để Việt Nam 'sửa mình'

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, trong nguy có cơ, đây có thể là cơ hội để Việt Nam thay đổi, định hướng lại cách phát triển du lịch, công nghiệp và nông nghiệp.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's mới đây đã đưa ra bản nhận định cho rằng cúm Vũ Hán có thể là sự kiện "thiên nga đen" tồi hệ hơn cả khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 từng diễn ra khi hàng loạt các chỉ số đã đồng loạt giảm điểm và bất ổn đang bao trùm nền kinh tế Trung Quốc.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới thương mại, kinh tế Việt Nam, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Đình Thiên, để có thêm góc nhìn về vấn đề này.

Theo đó, ông Thiên cho rằng, rất khó để dự báo được dịch viêm phổi Vũ Hán này có thể kéo dài trong bao lâu vì tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có biện pháp nào để ngăn chặn được dịch bệnh này. Tuy nhiên, chắn chắn đây là một biến cố lớn và có ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam.

Đầu tiên là ảnh hưởng tới ngành du lịch vì du lịch Việt Nam bị lệ thuộc lớn vào thị trường khách Trung Quốc. Khi du lịch bị ảnh hưởng sẽ kéo theo hàng không cũng bị ảnh hưởng.

Tiếp theo là tác động tới xuất nhập khẩu và cái nhìn thấy đầu tiên là ảnh hưởng tới xuất khẩu, trước mắt là một số mặt hàng nông sản. Cùng với đó là ảnh hưởng tới cả nhập khẩu. "Chúng ta chưa đề cập nhiều tới ảnh hưởng của dịch cúm với nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc cũng đang kêu bị ảnh hưởng rất lớn", ông Thiên nói.

Tuy nhiên, theo ông Thiên, trong "nguy lại có cơ". Cụ thể, về đầu tư nước ngoài, với tình hình dịch bệnh như hiện nay có thể tốc độ "bỏ chạy" khỏi Trung Quốc của các doanh nghiệp sẽ nhanh hơn nữa. "Vì thế Việt Nam cần phải tính toán xem lựa chọn điểm đến tiếp theo của những doanh nghiệp này sẽ như thế nào để tìm cho ra giải pháp trở thành lựa chọn ưu tiên của họ. Còn nếu không nắm bắt được cơ hội này Việt Nam có thể lỡ mất một dòng đầu tư lớn", ông Thiên nhấn mạnh.

Ông Thiên cũng cho rằng, cần có cách nhìn khác, cách tiếp cận mới về sự bất thường (dịch bệnh) đang diễn ra - cách tiếp cận tích cực hơn, tận dụng dịch bệnh lần này như một cơ hội để Việt Nam "sửa mình", có một cách tư duy mới để phát triển du lịch, công nghiệp và nông nghiệp.

Cụ thể, du lịch lâu nay Việt Nam có phần dựa vào vào thị trường Trung Quốc khi một số công ty lữ hành coi trọng số lượng hơn chất lượng. Vì vậy, cần phải định hướng lại, hướng tới phát triển du lịch một cách căn bản và chuyên nghiệp hơn. "Thị trường khách du lịch đại chúng, thu nhập thấp rất nhiều rủi ro, nhất là với khách Trung Quốc. Dịch bệnh lần này có thể là "giọt nước tràn ly", góp thêm một yếu tố để Việt Nam xem lại định hướng phát triển ngành du lịch thời gian tới".

Cùng với định hướng phát triển ngành du lịch, theo ông Thiên, cũng cần có tầm nhìn phát triển hàng không, để xem nên mở điểm bay ở những thị trường nào, cần có quy hoạch ngay từ đầu.

Về đầu tư trong công nghiệp, ông Thiên cho rằng cần có những định hướng cụ thể, nâng tầm đẳng cấp, không thể cứ mãi câu chuyện hàng hoá chấp lượng thấp, chủ yếu lắp ráp, gia công. Còn nông nghiệp cần phải hướng tới đẳng cấp cao, những thị trường khó tính, yêu cầu cao hơn.

"Chúng ta không ảo tưởng làm gì nhanh, một phát ăn ngay, nhưng phải có định hướng rõ ràng, tích cực, chứ không để lệ thuộc quá lớn vào một vài thị trường như hiện nay, hậu quả của những sự kiện bất thường như lần này sẽ rất lớn và rất rủi ro", ông Thiên chia sẻ.

Đề xuất giải pháp để giảm thiểu thiệt hại của dịch viêm phối Vũ Hán với kinh tế Việt Nam thời điểm hiện tại, ông Thiên lưu ý, trước tiên vẫn phải ưu tiên chống dịch bệnh lây lan dù tốn kém nhưng sẽ đảo bảo cho niềm tin lâu dài vào nền kinh tế. Cùng với đó là phải bình tĩnh, không nên có những dự báo quá vội vàng về tác động của dịch bệnh tới tăng trưởng GDP hay các chỉ số kinh tế dài hạn.

Sáng 29/1, tại Vân Nam, sau khi Việt Nam xuất khẩu được 20 container thanh long, cơ quan chức năng Trung Quốc tại cửa khẩu Hà Khẩu dừng thông quan vì phát hiện một lái xe Việt Nam sốt cao. Cục Công nghiệp và Thông tin huyện Tự trị dân tộc Dao Hà Khẩu sau đó thông báo dừng hoạt động thương mại tại Khu chợ Biên giới Hà Khẩu - Bắc Sơn từ ngày 30/1 đến ngày 8/2.

Bên cạnh đó, Sở Thương mại Quảng Tây đã kiến nghị Chính quyền Quảng Tây dừng các giao dịch trao đổi hàng hóa cư dân trên toàn tuyến biên giới Quảng Tây, từ ngày 31/1 đến 10/2.

Theo phản ánh của doanh nghiệp và Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, doanh nghiệp Trung Quốc đã có động thái hủy hoặc chậm đơn hàng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam.

Ngoài ra, khi Chính phủ Trung Quốc dồn toàn lực chống dịch bệnh, việc xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam với một số ngành như tổ yến, bột cá... vào Trung Quốc bị ảnh hưởng. Vệc đánh giá lại một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang bị đình trệ.

Bộ Công Thương kiến nghị giao Cục Xuất nhập khẩu chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, đề xuất tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp, hộ sản xuất nông thủy sản Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả