menu
Truyền hình cáp Việt Nam (CAB) lên sàn... cho vui?
Nguyễn Lan Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Truyền hình cáp Việt Nam (CAB) lên sàn... cho vui?

Chính thức chào sàn UPCoM vào cuối tuần qua, nhưng kết phiên không có cổ phiếu nào được giao dịch, đợt IPO vào tháng 4/2018 cũng không thể diễn ra vì chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký mua... Vì sao một cổ phiếu đầu ngành truyền hình trả tiền có lợi thế tự nhiên là rào cản gia nhập ngành lớn như cổ phiếu CAB của CTCP Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam lại “không lọt mắt” nhà đầu tư?

Lợi nhuận nhỏ, cổ tức chưa rõ ràng

Thành lập năm 1995, CAB tiền thân là Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật cáp, trực thuộc Ðài Truyền hình Việt Nam. Năm 2003, Công ty triển khai truyền hình cáp trên toàn quốc và năm 2005 bắt đầu cung cấp Internet trên mạng truyền hình cáp.

Ðến năm 2012, CAB đổi tên thành Công ty TNHH một thành viên Truyền hình cáp Việt Nam. Tháng 4/2018, CAB hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, với số vốn điều lệ đăng ký là hơn 457,4 tỷ đồng.

Sản phẩm, dịch vụ chủ yếu của CAB là cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, thực hiện hoạt động viễn thông có dây, cung cấp dịch vụ truy cập Internet bằng mạng viễn thông có dây, quảng cáo truyền hình, sản xuất chương trình truyền hình…Với hệ thống gần 100 chi nhánh trên toàn quốc, CAB hợp tác và cung cấp dịch vụ truyền hình tại hơn 50 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Kết quả kinh doanh của CAB giai đoạn 2017-2018 cũng như kế hoạch năm 2019 cho thấy lợi nhuận tăng trưởng không đáng kể (xem bảng). Một trong những điểm đáng chú ý trong kết quả kinh doanh của CAB là lợi nhuận chưa tương xứng với doanh thu.

Theo báo cáo tài chính riêng bán niên năm 2019 đã soát xét, CAB đạt 1.031,8 tỷ đồng doanh thu, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ là 32,5 tỷ đồng do giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp, cùng với hàng loạt chi phí như quản lý doanh nghiệp, bán hàng, tài chính… đều ở mức cao.

Ðiều này cũng tương tự như kết quả kinh doanh năm 2018. Cụ thể, CAB ghi nhận 2.323 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 62,6 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động kinh doanh của CAB đến chủ yếu từ mảng dịch vụ truyền hình (cáp, Internet, HD, K+), chiếm trên 60% doanh thu; 30% doanh thu khác đến từ mảng quảng cáo, bản quyền, quyền dẫn, còn lại là doanh thu bán hàng khác.

Ngoài con số lợi nhuận hạn chế, cơ hội được nhận cổ tức đối với cổ phiếu CAB cũng chưa rõ ràng. Năm 2018, dù kinh doanh có lãi, nhưng CAB không chia cổ tức và năm nay, Tổng công ty cũng không có kế hoạch trả cổ tức.

Truyền hình cáp Việt Nam (CAB) lên sàn... cho vui?

98,55% vốn thuộc 1 ông chủ

Do đặc thù lĩnh vực hoạt động, giá trị cổ phiếu CAB đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Tại bản công bố thông tin tóm tắt về doanh nghiệp, CAB cho biết, Tổng công ty đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày một khốc liệt từ nhiều doanh nghiệp lớn cùng ngành như Viettel, VNPT, FPT… trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ.

Hạ tầng truyền dẫn là khó khăn lớn đối với CAB khi phụ thuộc nhiều vào các đối tác, cụ thể là các đơn vị viễn thông, nên ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cũng như phát triển đa dịch vụ.

Xu hướng chuyển dịch nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ truyền hình và giải trí của khách hàng, đặc biệt là giới trẻ, cũng là yếu tố gây bất lợi cho hoạt động của CAB.

Với xu hướng sử dụng đa dịch vụ trên một đường truyền, chủ động sử dụng dịch vụ qua mạng Internet sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền truyền thống.

Nhiều loại chi phí tiếp tục chịu áp lực tăng khiến CAB gặp khó trong việc cải thiện mức lợi nhuận thấp hiện tại.

Sau khi IPO thất bại, CAB chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, nhưng chỉ là “bình mới rượu cũ”, bởi ngoài Ðài truyền hình Việt Nam vẫn nắm giữ tới 98,55% cổ phần, việc Tổng công ty bán 664.800 cổ phiếu ESOP chủ yếu nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình hoạt động.

Cụ thể, CAB dự tính chi phí mua bản quyền các chương trình truyền hình nước ngoài tăng khoảng 20-30%/năm; tại các thành phố lớn đều đẩy nhanh quá trình ngầm hóa các đường truyền tải để chỉnh trang đô thị, dẫn đến làm tăng chi phí thuê hạ tầng mà không tăng doanh thu…

Ðáng chú ý, theo báo cáo tài chính riêng bán niên năm 2019, mặc dù đơn vị kiểm toán PwC Việt Nam không đưa ra ý kiến ngoại trừ, nhưng nhấn mạnh:

“Báo cáo tài chính riêng cho giai đoạn CAB hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ ngày 1/7 - 31/12/2018 chưa bao gồm các điều chỉnh liên quan đến việc quyết toán công tác cổ phần hóa của Tổng công ty do chưa nhận được văn bản phê duyệt quyết toán cổ phần hóa tại ngày chính thức chuyển thành công ty cổ phần”.

Ðây là một trong những rủi ro khó lường, bởi nếu tài sản biến động theo hướng điều chỉnh giảm thì sẽ tác động bất lợi lên thị giá cổ phiếu.

Một điểm cần lưu tâm khác đối với CAB là cơ cấu cổ đông Tổng công ty. Hiện tại, cổ đông tổ chức trong nước là Ðài truyền hình Việt Nam đang nắm giữ tới 98,55% cổ phần CAB, còn lại 1,45% cổ phần do các cá nhân trong nước sở hữu (1.156 cổ đông).

Cơ cấu cổ đông quá cô đặc khiến việc đa dạng hóa cổ đông của CAB gặp thách thức khi theo Ðiều lệ của Tổng công ty không hạn chế tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng theo cam kết quốc tế, cũng như pháp luật có liên quan, nhiều ngành nghề hoạt động của CAB nhà đầu tư nước ngoài chỉ được nắm giữ tối đa 49% cổ phần.

Hội đồng quản trị của CAB hiện có 5 thành viên, ngoài 3 thành viên không điều hành và Chủ tịch Hội đồng quản trị, còn có 1 thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc là ông Bùi Huy Năm.

Cơ sở nào để định giá cổ phiếu cao?

Với mức giá trong ngày giao dịch đầu tiên (ngày 6/9) là 140.900 đồng/cổ phiếu, không một cổ phiếu CAB nào được giao dịch.

Tình trạng này, theo ghi nhận ý kiến từ thị trường, là không bất thường bởi đã được dự báo trước từ kết quả chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) diễn ra hồi tháng 4/2018.

Theo đó, gần 42,3 triệu cổ phiếu, tương đương 47,8% vốn điều lệ sau cổ phần hóa được đưa ra IPO với cùng mức giá cao 140.900 đồng/cổ phiếu, nên nhà đầu tư đã không mặn mà với CAB.

Kết cục là đợt IPO này thất bại vì không đủ điều kiện tổ chức phiên đấu giá, do chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Theo phân tích của một công ty chứng khoán đang niêm yết, tại mức giá khởi điểm IPO là 140.900 đồng, P/E dự phóng năm 2018 của cổ phiếu CAB là 344 lần và P/B là 20 lần - là mức rất cao, bởi P/E dự phóng bình quân cho năm 2018 của các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực chỉ là 14-15 lần.

Sau khi IPO thất bại, CAB chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, nhưng chỉ là “bình mới rượu cũ”, bởi ngoài Ðài truyền hình Việt Nam vẫn nắm giữ tới 98,55% cổ phần, việc Tổng công ty bán 664.800 cổ phiếu ESOP chủ yếu nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình hoạt động.

Thực tế này cho thấy, việc mua - bán cổ phiếu mới diễn ra trong nội bộ cán bộ, nhân viên của CAB, chứ chưa có tính thị trường. CAB lên sàn được nhiều người ví chỉ là hình thức, sàn sẽ có thêm "thành tích" tăng vốn hóa, chứ không có thanh khoản.

Ðể tìm câu trả lời cho những thắc mắc, đặc biệt là vấn đề định giá cổ phiếu CAB, Báo Ðầu tư Chứng khoán đã liên hệ với ông Bùi Huy Năm, Tổng giám đốc CAB, nhưng không nhận được câu trả lời...

Tân Văn

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
6.50 -0.40 (-5.80%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả