menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đinh Thị Ngân

Trước ngày xét xử ông Trịnh Văn Quyết: FLC còn lại gì?

Vào kỳ họp ĐHĐCĐ bất thường diễn ra đầu năm, Tập đoàn FLC vừa kiện toàn nhân sự HĐQT, BKS và công bố định hướng kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa thể công bố BCTC kiểm toán 2021, 2022, 2023 cũng như tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022, 2023.

Vướng lao lý

TAND TP. Hà Nội thông báo mở phiên tòa xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan vào ngày 22/7 tới đây.

Trong số 50 bị cáo tại vụ án này, có 13 bị cáo thuộc Tập đoàn FLC gồm: Trịnh Văn Quyết (sinh năm 1975, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC - Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt); Trịnh Thị Minh Huế (sinh năm 1981, Kế toán tổng hợp; em gái bị cáo Trịnh Văn Quyết); Trịnh Thị Thúy Nga (sinh năm 1979, Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC; thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS – tiền thân là Công ty Cổ phần chứng khoán FLC; em gái bị cáo Trịnh Văn Quyết); Hương Trần Kiều Dung (sinh năm 1978, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BOS); Nguyễn Thiện Phú (sinh năm 1974, Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC...

Tập đoàn FLC khởi thủy là văn phòng luật sư do ông Trịnh Văn Quyết thành lập vào năm 2001. Sau 10 năm phát triển, doanh nghiệp chính thức mang tên Tập đoàn FLC và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. FLC lấy mảng kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng làm cốt lõi, sau đó phát triển thành hệ sinh thái với nhiều mảng ghép như bất động sản, hàng không (Bamboo Airways), giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao, y dược, xây dựng, khai khoáng…

Vào năm 2021, ông Trịnh Văn Quyết từng bày tỏ tham vọng phát triển đến 400 dự án bất động sản đa tiện ích quy mô lớn, cấu thành những hệ sinh thái khép kín tại khu vực tiềm năng, chưa hoặc ít được khai thác; hay đưa Bamboo Airways thành hãng hàng không số hóa toàn diện, phủ kín mạng bay tới những điểm đến tiềm năng, chiếm lĩnh 30% thị phần hàng không với đội bay tối thiểu 50 chiếc.

Tuy nhiên, sau hành vi bán "chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào phiên giao dịch ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết bị vào tầm ngắm của cơ quan chức năng. Đến tháng 3/2022, Bộ Công an ra thông báo khởi tố bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết để điều tra hành vi thao túng chứng khoán, che dấu thông tin hoạt động chứng khoán, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán. Ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Xây dựng Faros (mã: ROS), chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng tiền của các nhà đầu tư bị phanh phui.

Loay hoay và bế tắc

Kể từ sau khi người đứng đầu vướng vòng lao lý, Tập đoàn FLC rơi vào bế tắc, loay hoay tái cấu trúc và phải đến đầu năm nay mới có vài điểm sáng. Tập đoàn công bố thua lỗ trong 3 quý liên tiếp đầu năm 2022 với tổng lỗ 1.891 tỷ đồng và sau đó chìm trong chuỗi ngày im ắng. Đến nay, FLC vẫn chưa thể phát hành BCTC, BCTC kiểm toán các năm 2021, 2022, 2023 và quý I/2024. Nguyên nhân là tập đoàn và Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY chưa đạt được sự đồng thuận về ý kiến kiểm toán BCTC riêng và hợp nhất kết thúc ngày 31/12/2021.

Hệ lụy của việc này là dù cổ phiếu FLC sau khi hủy niêm yết trên HoSE đã được chuyển xuống giao dịch UPCoM nhưng nhà đầu tư vẫn không thể mua bán được. Nguyên nhân là do công ty vi phạm công bố thông tin nghiêm trọng nên cổ phiếu bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đình chỉ giao dịch ngay khi vừa xuống UPCoM.

Không chỉ vậy, Tập đoàn FLC đến nay cũng chưa chuẩn bị đầy đủ tài liệu để tổ chức ĐHĐCĐ thường niên của năm 2022 và 2023 để bàn luận các quyết sách quan trọng về kế hoạch kinh doanh, đường hướng phát triển…

Các cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường của doanh nghiệp phải đến lần thứ 2 mới có thể tổ chức thành công và vấn đề bàn luận chủ yếu là kiện toàn nhân sự HĐQT, BKS.

Sau kỳ họp ĐHĐCĐ bất thường gần nhất (đầu năm 2024), nhân sự HĐQT gồm 5 người gồm ông Lê Bá Nguyên làm Chủ tịch HĐQT, nhân sự BKS có 3 người do ông Nguyễn Xuân Hòa làm Trưởng ban. Tổng Giám đốc là ông Lê Tiến Dũng, Kế toán trưởng Nguyễn Thế Chung.

Trước ngày xét xử ông Trịnh Văn Quyết: FLC còn lại gì?

FLC tổ chức họp đại hội bất thường vào đầu năm kiện toàn nhân sự. Nguồn: FLC

Một vấn đề khác mà FLC đang đối mặt là bị cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngưng sử dụng hóa đơn, trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản. Lãnh đạo FLC chia sẻ nguyên nhân xuất phát từ việc chậm nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ với Nhà nước.

Thời điểm đầu tiên tập đoàn bị cưỡng chế là tháng 7/2022. Đến đầu năm 2024, doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ khác hơn 800 tỷ đồng, còn lại khoảng 600 tỷ đồng. Ban điều hành cho biết tiếp tục xây dựng các phương án M&A, hợp tác đầu tư tập trung vào dự án trọng điểm để đủ điều kiện bán hàng theo pháp luật quy định, còn dư nguồn lực để thanh toán khoản nợ trong năm nay.

Mặt khác, tập đoàn cũng bị thu hồi hàng loạt dự án tại Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Ngãi, Hòa Bình, Bình Phước, Kon Tum…. Nhiều dự án đã được FLC khởi công nhưng xây dựng đình trệ, dừng thi công.

Muốn huy động vốn cho hoạt động kinh doanh

Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 35 ngày 26/3/2024, FLC có vốn điều lệ 7.099,9 tỷ đồng, giữ nguyên từ thời điểm 2022 đến nay. Ban lãnh đạo mới của tập đoàn muốn huy động tiền từ các cá nhân, tổ chức để bổ sung hoạt động kinh doanh, chủ trương chung đã được thông qua nhưng chưa có phương án chi tiết.

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ bất thường diễn ra đầu năm, tập đoàn thông báo tổng tài sản hiện hữu ước đạt 21.000 tỷ đồng, giảm 40% so với năm 2022; định biên nhân sự giảm 60% còn 3.500 người. Toàn hệ thống có 14 công ty con và 1 công ty liên kết.

Năm nay, tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc và định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với 3 trụ cột chính gồm bất động sản, nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc khoản vay, duy trì hoạt động kinh doanh.

Ở mảng kinh doanh bất động sản, FLC tiếp tục triển khai thi công theo cam kết với khách hàng tại 7 dự án trọng điểm như FLC Premier Parc Thấp tầng, C4C5 Thanh Hóa, Biệt thự Hạ Long, Tropical 1&2, HH1 – HH4. Công ty cũng chuẩn bị để thi công xây dựng thêm 6 dự án Hilltop Gia Lai, Legacy Kon Tum, FLC Sầm Sơn, Sadec, Quy Nhơn và dự án Quảng Bình.

Ở mảng khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng, tập đoàn sẽ tập trung khai thác vận hành các quần thể nghỉ dưỡng FLC Hạ Long, FLC Sầm Sơn, FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn, khai thác tối đa công suất phòng, đảm bảo dòng tiền huy trì hoạt động của doanh nghiệp. Song song đó, tập đoàn tiến hành tìm kiếm đối tác có tiềm năng, đàm phán phương án hợp tác khai thác vận hành đối với một số hạng mục tại các quần thể.

Kế hoạch doanh thu cho mảng du lịch nghỉ dưỡng là 1.213 tỷ đồng, lợi nhuận đủ duy trì bộ máy cũng như thực hiện cam kết với các bên liên quan khác. Mảng kinh doanh bất động sản kỳ vọng doanh số 1.187 tỷ đồng để tiến hành thi công hoàn thiện các dự án theo cam kết với khách hàng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả