24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trung Quốc khó là cứu tinh cho kinh tế thế giới

Việc Trung Quốc mở cửa lại khó vực dậy kinh tế toàn cầu, vì chính nước này cũng đang ngập trong rắc rối và người dân vẫn ngại chi tiêu.

Thế giới đang trông chờ việc kinh tế Trung Quốc bật lại sẽ hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu và đẩy lùi nguy cơ suy thoái. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cảnh báo việc này có thể mang lại hiệu quả ít hơn kỳ vọng của các chính phủ và doanh nghiệp.

Trước đây, Trung Quốc vẫn dựa vào kích thích của chính phủ và đầu tư mạnh tay để tăng trưởng. Việc này phần nào giúp kéo kinh tế toàn cầu ra khỏi khủng hoảng tài chính 2008.

Nhưng lần này, tình hình đã rất khác. Trung Quốc đang ngập trong nợ. Thị trường nhà đất vẫn khủng hoảng và phần lớn cơ sở hạ tầng nước này cần xây đều đã xây hết. Hệ quả là lần hồi phục này cần dựa vào người tiêu dùng. Họ đã trải qua 3 năm bị kiểm soát chặt hoạt động và đi lại.

Các số liệu chỉ ra, người Trung Quốc đang dần mua sắm và kinh doanh trở lại tại các thành phố lớn. Nhiều tín hiệu cho thấy thời kỳ tồi tệ nhất của đợt bùng phát dịch đã qua. Cũng như người Mỹ, người tiêu dùng Trung Quốc đã tích lũy số tiền lớn trong thời gian phong tỏa. Tuy nhiên, niềm tin tiêu dùng hiện còn thấp. Nhiều người giàu Trung Quốc đã mở ví, nhưng số khác lại chọn tiếp tục tiết kiệm.

Các dấu hiệu ban đầu cho thấy tác động lớn nhất từ đà phục hồi của Trung Quốc sẽ thể hiện rõ nét nhất tại nước này, hơn là trên thế giới. Các số liệu chính thức, kể cả khảo sát doanh nghiệp, thống kê số lượt di chuyển bằng phương tiện công cộng, cho thấy mức tăng mạnh nhất sẽ đến từ lĩnh vực dịch vụ, như nhà hàng, quán bar và du lịch.

Điều này cũng đồng nghĩa dù kinh tế Trung Quốc tăng tốc là tin tốt với kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp của việc này có lẽ sẽ ít hơn các chiến dịch kích thích mạnh tay trước đây. "Bản chất của đợt phục hồi kinh tế lần này cho thấy tác động lan truyền của nó ra thế giới sẽ nhỏ hơn nhiều", Frederic Neumann – kinh tế trưởng khu vực châu Á tại HSBC cho biết.

Tăng trưởng của Mỹ thậm chí có thể bị bóp nghẹt nếu nhu cầu năng lượng của Trung Quốc tăng vọt, kéo lạm phát toàn cầu lên cao.

Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng 5,2% năm nay, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tốc độ này bỏ xa Mỹ (1,4%) và eurozone (0,7%).

Một số doanh nghiệp tỏ ra lạc quan. Ví dụ, người giàu Trung Quốc có thể giúp tăng trưởng toàn cầu lên cao, nhờ chi tiêu cho hàng xa xỉ châu Âu và đi du lịch đến những nơi như Đông Nam Á. Hãng đồng hồ Trung Quốc Swatch Group tháng trước dự báo doanh thu năm nay lên kỷ lục, nhờ thị trường Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau.

Ông chủ LVMH Bernard Arnault thì cho biết các cửa hàng của họ tại Macau đã chật cứng khách. "Thay đổi này thật đáng kinh ngạc", ông nói.

Boeing cũng đang kỳ vọng giao thêm máy bay cho Trung Quốc. Các hãng bay nước này sẽ cần nhiều 737 MAX hơn để đáp ứng nhu cầu bay lên cao.

Dù vậy, nhiều công ty lại tỏ ra thận trọng. Trong đại dịch, các hộ gia đình Trung Quốc ít nhận được hỗ trợ từ chính phủ hơn người dân ở các nước phát triển. Nhiều người vẫn còn lo lắng về thị trường việc làm và bất động sản.

CEO Colgate-Palmolive Noel Wallace tháng trước cho biết doanh số hàng tiêu dùng của họ tại Trung Quốc vẫn còn yếu. "Trung Quốc vẫn là một dấu hỏi lớn", ông nói.

Yum China Holdings – công ty mẹ của KFC và Pizza Hut tại Trung Quốc – ghi nhận doanh số bùng nổ trong dịp Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, họ vẫn lo lắng về triển vọng. "Khách hàng vẫn nhạy cảm với giá cả và chi tiêu thận trọng", CEO Joey Wat tuần trước đánh giá.

Kể cả nếu tăng trưởng của Trung Quốc mạnh, nước này vẫn phải giải quyết nhiều vấn đề nội tại. Các chính quyền địa phương đang ngập trong nợ, khiến khả năng chi cho cơ sở hạ tầng hạn chế.

Trung Quốc cũng đang phải kích thích lĩnh vực bất động sản, như nới tín dụng. Tuy nhiên, giá nhà và doanh số bán nhà vẫn giảm, khiến người dân ngại mua. Việc này cũng sẽ kéo nhu cầu sắt, thép xuống thấp

Các mục tiêu chính sách khác cũng có thể gây sức ép lên nhu cầu nhập khẩu của nước này. Bắc Kinh muốn nội địa hóa nhiều mặt hàng, thay vì mua từ Nhật Bản và Đức. Họ cũng đang kiềm chế các ngành gây ô nhiễm, như thép, để đạt mục tiêu khí hậu.

Bên cạnh đó, dù số chuyến bay tại Trung Quốc đã tăng mạnh, sẽ phải mất thêm thời gian nữa hoạt động du lịch sang Mỹ và châu Âu mới quay về mức tiền đại dịch, Olivier Ponti – Phó giám đốc hãng tư vấn ForwardKeys cho biết. Tháng trước, điểm đến phổ biến của người Trung Quốc đại lục là Macau, Hong Kong và Tokyo.

Sự đóng góp của Trung Quốc vào kinh tế toàn cầu còn phụ thuộc vào việc tiêu dùng của người dân nước này kéo dài bao lâu. Hiện tại, kể cả khi người Trung Quốc tiết kiệm được 2.600 tỷ USD năm ngoái, chưa đầy 30% số này là có thể chi tiêu ngay. Vì phần lớn nằm trong các tài khoản tiết kiệm dài hạn. Thị trường lao động còn yếu và bất động sản trì trệ cũng làm giảm tài sản của các gia đình.

Đà phục hồi tiêu dùng "sẽ nông và không kéo dài", Logan Wright – Giám đốc khu vực Trung Quốc tại hãng nghiên cứu Rhodium Group cho biết. Ông dự báo sau khi tăng trưởng tăng tốc từ quý II, tiêu dùng cũng sẽ nhanh chóng mất đà.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả