Trung Quốc chi hơn 100.000 tỷ đồng mua rau quả Việt
11 tháng, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt hơn 4,3 tỷ USD (108.000 tỷ đồng), tăng 28% so với cùng kỳ 2023, cao nhất từ trước tới nay.
Đây là con số mới nhất vừa được hải quan công bố. Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 11 tháng đã vượt 6,6 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 65% thị phần, tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm khoảng 42% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc và đạt khoảng 2,8 tỷ USD trong 11 tháng. Việt Nam hiện là nhà cung cấp sầu riêng lớn thứ hai tại Trung Quốc, với thị phần tăng từ 34% năm 2023 lên hơn 40% trong năm nay, tạo áp lực cạnh tranh đáng kể cho Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á khác.
Các loại trái cây như thanh long, chuối, mít và xoài cũng tiếp tục đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, chuối và mít đang dẫn đầu thị phần tại nước này. Thị phần chuối Việt tăng từ 31,3% năm 2023 lên 40,7% năm nay - một kết quả ấn tượng. Dự kiến, hết năm 2024, kim ngạch xuất khẩu chuối có thể đạt nửa tỷ USD - mức cao kỷ lục.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ này đến từ nhiều yếu tố như chất lượng sản phẩm ổn định, chiến lược giá linh hoạt và lợi thế địa lý giúp chi phí logistics của Việt Nam cạnh tranh hơn so với các nước khác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt đã nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch khắt khe từ Trung Quốc, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường này.
Dù đạt được những kết quả tích cực, Việt Nam vẫn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Thái Lan đang đẩy mạnh kiểm soát chất lượng, cải tiến giống sầu riêng mới và tận dụng tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào để giảm chi phí vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Do đó, các doanh nghiệp Việt cũng cần có những chiến lược và hướng đi tốt để cạnh tranh với các đối thủ mạnh.
Năm 2024, Việt Nam đã ký hai Nghị định thư quan trọng với Trung Quốc. Thứ nhất là Nghị định thư về sầu riêng đông lạnh, giúp mở rộng xuất khẩu các sản phẩm chế biến như cơm sầu riêng và sầu riêng xay nhuyễn, gia tăng giá trị cho sản phẩm. Thứ hai là Nghị định thư về dừa tươi, dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, mở ra cơ hội lớn cho các vùng trồng dừa, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), những thỏa thuận này không chỉ mở rộng thị trường mà còn góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 lên khoảng 7,2 tỷ USD. Triển vọng năm 2025 cũng rất khả quan khi nhiều loại trái cây Việt Nam tiếp tục được cấp phép xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng trên thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường