Triển vọng nào cho cổ phiếu ngân hàng?
Triển vọng tín dụng hồi phục, đà tăng nợ xấu chậm lại, biên lãi ròng (NIM) được cải thiện, lợi nhuận nhiều gam màu sáng… khiến cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng dẫn “sóng” đến cuối năm.
Thời gian qua, dù chất lượng tài sản ngân hàng có suy giảm nhưng có khả năng phục hồi trong những tháng tới khi nền kinh tế có nhiều dấu hiệu tích cực, lạc quan, Ngoài ra, triển vọng tín dụng tăng trưởng vượt mục tiêu, định giá cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn… là những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng.
Theo các tính toán, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế sẽ hoàn thành kế hoạch 15% dựa trên nhiều kỳ vọng như tiếp tục triển khai chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế hồi phục.
Cùng đó, động lực tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2024 kỳ vọng được đóng góp nhiều hơn từ phân khúc khách hàng cá nhân, thị trường bất động sản tiếp tục đà hồi phục sau những nỗ lực tháo gỡ vấn đề pháp lý của Chính phủ.
Trong quý II/2024, ngân hàng là một trong những nhóm ngành duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. Lợi nhuận quý II/2024 của các ngân hàng niêm yết tăng 22,6% so với cùng kỳ. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán ACBS, lợi nhuận trước thuế cả năm 2024 của các ngân hàng thương mại trong danh mục theo dõi sẽ tăng khoảng 20% so với năm trước.
Cầu tín dụng đã có sự tăng trưởng 4 tháng liên tiếp, đặc biệt là cho vay cá nhân đã bắt đầu hồi phục sau khi đi ngang cả năm 2023. NIM quý II/2024 của các ngân hàng thương mại niêm yết tăng 10 điểm cơ bản so với quý trước và tăng 12 điểm cơ bản so với cùng kỳ, lên mức 3,76%. Dù lãi suất đầu vào khó giảm thêm, song lãi vay cũng đang ở đáy và cũng không còn chịu áp lực giảm thêm nữa. Dự báo, NIM toàn ngành vẫn sẽ duy trì ở mức này trong những quý tới.
Mặc dù triển vọng lợi nhuận tốt hơn nhiều ngành khác, song thực tế, lợi nhuận ngân hàng cũng đang có sự phân hóa mạnh mẽ. Số ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội không nhiều. Dù định giá cổ phiếu ngân hàng khá hấp dẫn, song cũng không phải rẻ. Do đó, chỉ những ngân hàng có “câu chuyện riêng” mới có sức hấp dẫn.
Tính đến hết quý II/2024, hơn 80% số ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng so với cuối năm 2023. Số dư nợ xấu tuyệt đối của các ngân hàng tăng hơn 20% so với cuối năm ngoái. Con số này có thể còn tăng vào năm 2025, khi quy định về gia hạn nợ hết hiệu lực vào cuối năm 2024. Trong khi nợ xấu gia tăng, thì bao phủ nợ xấu lại suy giảm.
Hiện tại, tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành chỉ còn 81,5%, giảm khá mạnh so với mức 99% vào cuối năm ngoái.
Dựa trên phân tích rủi ro và cơ hội, các chuyên gia cho rằng, kỳ vọng cho cổ phiếu ngân hàng sẽ nghiêng về các cổ phiếu nhóm VN30 (trong đó, cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn). Cùng với bất động sản, cổ phiếu ngân hàng là hai trụ cột của VN-Index.
Với triển vọng dài hạn, ngành ngân hàng xứng đáng có mức định giá tốt hơn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn các cổ phiếu có thể sẽ có nhịp điều chỉnh nếu kết quả kinh doanh quý II và quý III chưa thực sự khởi sắc.
Theo tính toán, định giá của các ngân hàng hiện tại đang ở quãng trung vị trong vòng 5 năm. Nếu lấy định giá cao nhất và thấp nhất của ngân hàng trong vòng 5 năm thì hiện tại định giá của các ngân hàng đang ở mức giữa, đây là mức định giá không quá rẻ cũng không quá đắt. Do vậy, cần có những có câu chuyện riêng thì mới có thể đẩy định giá lên mức hấp dẫn để đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận