24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bảo An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

“Trễ hẹn” giá FIT, 4.600 MW điện không được khai thác, sử dụng

Ước tính từ thời điểm “trễ hẹn” giá FIT đến thời điểm hiện nay có trên 4.600 MW từ các dự án trên không được khai thác, đưa vào sử dụng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, ngày 1/6.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị xác định rất rõ, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa nguồn năng lượng hóa thạch, sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời cho phát điện.

“Trễ hẹn” giá FIT, 4.600 MW điện không được khai thác, sử dụng
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng). Ảnh: QH

6 bất cập

Đây là định hướng chiến lược cho một giai đoạn phát triển. Trước khi có Nghị quyết này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng có nhiều văn bản có tính đột phá về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho phát triển điện gió, điện mặt trời như Quyết định số 11 năm 2017, Quyết định số 37 năm 2011.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho biết gần đây trong các văn bản điều hành, cơ quan chức năng có sự thay đổi đột ngột về mặt chính sách, nhất là các quy định về khung giá điện, nhà máy phát điện, nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp trong thời gian gần đây không những không khuyến khích, ưu đãi, các dự án điện gió, điện mặt trời như Nghị quyết 55, không ít các quy định còn thắt chặt so với các dự án điện truyền thống, có nhiều quy định chưa thật sự hợp lý, tập trung ở 3 văn bản chính là Thông tư 01, Thông tư 15 và Nghị quyết 21 của Bộ Công Thương.

"Việc này làm cho các nhà đầu tư không lường trước được rủi ro và không an tâm trong đầu tư phát triển dự án", đại biểu Nguyễn Văn Hiển nói và chỉ rõ 6 bất cập chính trong 3 văn bản trên.

Thứ nhất, các văn bản này bãi bỏ thời hạn áp dụng giá mua điện trong thời hạn 20 năm, điều này dẫn đến hệ quả là khung giá mua điện áp dụng trong thời gian ngắn thì các tổ chức tài chính sẽ không tính hiệu quả của dự án và như vậy sẽ không tài trợ cho các dự án điện gió.
Thứ hai, các văn bản trên đã bãi bỏ điều khoản chuyển đổi tiền mua điện sang USD. Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng, việc này làm cho các nhà đầu tư không lường trước được rủi ro và không an tâm trong đầu tư phát triển dự án, vì hầu hết các thiết bị mua đều nhập từ nước ngoài.
Thứ ba, các văn bản trên thì đã bãi bỏ điều khoản về bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện gió nối lưới với giá mua điện tại thời điểm giao nhận sau Quyết định 39. “Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời sẽ không còn được hưởng ưu tiên trong việc huy động công suất như trước đây nữa. Từ đó, khả năng cắt giảm công suất thường xuyên với dự án điện gió, điện mặt trời rất cao”, đại biểu Nguyễn Văn Hiển nói.
Thứ tư, khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại Quyết định 21 đã không phản ánh đúng về mối tương quan trong việc tính toán phương án điện hàng năm. Theo quyết định số 02/2023 của Thủ tướng Chính phủ thì mức giá bán điện lẻ bình quân tối thiểu là 220,03 đồng/kWh và giá bán lẻ bình quân tối đa là 537,67 đồng/kWh.
“Trễ hẹn” giá FIT, 4.600 MW điện không được khai thác, sử dụng

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị xác định rất rõ, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo. Ảnh: QH

Trong khi đó, giá trần cao nhất cho các nhà máy phát điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp lại thấp hơn từ 21 đến 29% so với cơ chế giá cố định được quy định tại Quyết định 13 và Quyết định 39. “Đây là mâu thuẫn nghịch lý về cơ chế chính sách quản lý, điều tiết và xây dựng khung giá đầu vào và đầu ra cho ngành điện lực”, đại biểu Nguyễn Văn Hiển chỉ ra.

Thứ năm, nhiều nhà máy điện mặt trời, điện gió lớn hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành điện. Tuy nhiên, việc đầu tư vào truyền tải điện không đáp ứng được thực tế dẫn đến EVN cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy này, gây lãng phí tài nguyên, đặc biệt gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này.
Thứ sáu, quy định trong Quyết định 21, Thông tư 01 của Bộ Công Thương không thống nhất, mâu thuẫn với văn bản cấp trên. Cụ thể, Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ có quy định về trách nhiệm mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới, giá điện đối với các dự án điện mặt trời nối lưới…

Hệ quả, một lượng lớn điện không được khai thác, đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn tài nguyên năng lượng nói chung và đẩy nhà đầu tư điện lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Ước tính từ thời điểm trễ hẹn giá FIT đến thời điểm hiện nay có trên 4.600 MW điện từ các dự án trên không được khai thác, đưa vào sử dụng.

Từ các nội dung trên, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cần xem xét lại chính sách nêu trên theo hướng việc điều chỉnh chính sách phải có phương án giảm sốc, có lộ trình hợp lý, tránh việc thay đổi chính sách một cách quá đột ngột…

“Sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tránh thất thoát, lãng phí nguồn năng lượng tái tạo lớn đã được sản xuất nhưng không được đưa vào khai thác, sử dụng, có giải pháp đồng bộ, kịp thời, bảo đảm sự phát triển bền vững cho ngành năng lượng tái tạo”, đại biểu Nguyễn Văn Hiển kiến nghị.

Có tiềm năng nhưng "vướng" nghịch lý

Giải trình, làm rõ nội dung về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết về phát triển năng lượng tái tạo và cơ chế xác định giá cho điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam điện gió, điện mặt trời phát triển khá nhanh ở nước ta trong thời gian gần đây, do cơ chế, chính sách khuyến khích của nhà nước khá hấp dẫn.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn phát triển điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, có một số nghịch lý, như nơi có tiềm năng về nắng và gió lại là nơi có phụ tải thấp, vì thế muốn sử dụng hệ thống điện này phải đầu tư khá lớn cho truyền tải lưu trữ điện.

Mặt khác, để duy trì thường xuyên, an toàn hệ thống điện, phát huy hiệu quả năng lượng tái tạo, phải có một nguồn điện nền ổn định, để bù đắp khi không có nắng, có gió. Ở Việt Nam, điện than, điện dầu, điện khí sinh khối, thủy điện cũng được xem là điện nền.

“Bởi vậy, dù có đắt hơn phát thải cacbon có nhiều hơn, trong ngắn hạn chúng ta chưa có nguồn, giải pháp khác thay thế thì các nguồn điện truyền thống vẫn được duy trì để bảo đảm an toàn hệ thống điện”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, than, dầu khí là những nguyên liệu sơ cấp được thị trường thế giới ấn định giá, những năm qua do đứt gãy nguồn cung, giá cao dẫn đến giá điện cũng cao hơn nếu chưa tính đến phí truyền tải.

Điện mặt trời không tốn tiền mua, giá thành chỉ phụ thuộc vào giá cả công nghệ, thiết bị. Tuy nhiên, công nghệ thế giới phát triển nhanh nên giá thành công nghệ giảm đi hàng năm, làm giá thành điện năng, năng lượng tái tạo chưa tính giá truyền tải và lưu trữ điện giảm theo thời gian. Về lâu dài, năng lượng tái tạo sẽ là nguồn rẻ nhất nếu chưa tính chi phí truyền tải, lưu trữ điện.

Về cơ chế tính giá năng lượng tái tạo, cơ sở pháp lý căn cứ vào luật Điện lực, luật Giá và các nghị định của Chính phủ. Bộ Công Thương đã xây dựng khung giá xác định trên cơ sở số liệu thống kê của các nhà máy điện mặt trời, điện gió, so sánh với số liệu của cơ quan năng lượng quốc tế, thực hiện đúng quy trình lấy ý kiến Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội đồng tư vấn về kết quả thẩm định khung giá…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp như khung giá hiện hành là phù hợp với giá thế giới và thực tiễn kinh tế xã hội trong nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả