Tránh FDI vào Việt Nam chỉ để 'mượn đường'
Xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho nền kinh tế Việt Nam.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là điểm sáng kinh tế sáu tháng đầu năm và dự kiến sẽ tiếp tục đạt kết quả cao vào nửa cuối 2024.
Nói về câu chuyện thu hút FDI, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhìn nhận, Việt Nam đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi để tận dụng xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và tranh thủ được nhiều lợi ích từ nhiều phía, đơn cử như hợp tác được với cả Mỹ và Trung Quốc khi hai ông lớn này đang ở thế đối đầu nhau.
Những thuận lợi giúp thu hút FDI có thể là động lực quan trọng để phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 cũng như trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết, nền kinh tế Việt Nam như có hai nền kinh tế nhỏ tồn tại song song, một bên là khu vực kinh tế trong nước, phần đông là doanh nghiệp vừa và nhỏ, yếu về công nghệ, kinh nghiệm và vốn, một bên là doanh nghiệp FDI.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp FDI nhưng dường như chỉ “mượn đường”, mượn đất đai, hạ tầng, năng lượng của Việt Nam, còn cả đầu vào và đầu ra điều đến từ thị trường quốc tế. Thực tế cho thấy, hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào khu vực FDI.
Theo ông Hùng, với định hướng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, thu hút FDI là chiến lược hoàn toàn phù hợp nhưng cần phải xác định rõ rằng FDI chỉ là công cụ chứ không phải giải pháp mang tính bắt buộc.
Do đó, thay vì theo đuổi con số thu hút FDI càng nhiều càng tốt, Việt Nam cần lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với mục tiêu kinh tế, xã hội, có cam kết về chuyển giao công nghệ, tiếp cận thị trường trong nước.
Ông Hùng nhấn mạnh, các nguồn lực trong nước chỉ có hạn, nếu thu hút quá nhiều dự án đầu tư nước ngoài sẽ vừa không có hiệu quả thực tiễn, vừa đẩy mức độ cạnh tranh về nguồn lực lên cao, gián tiếp khiến doanh nghiệp nội trở nên khó khăn.
Mặt khác, cần có cơ chế hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân trong nước để tăng cường tính kết nối với khu vực FDI, qua đó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là bước đệm quan trọng để khối tư nhân hướng đến thị trường xuất khẩu, bởi “bán hàng trong nước còn chưa xong thì khó có thể nói đến bán cho thị trường thế giới”.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối đầu tư Quỹ Dragon Capital, đồng tình với quan điểm cần thu hút một cách có chọn lọc, tập trung vào những dự án FDI có hàm lượng khoa học công nghệ và cam kết rõ ràng, dài hạn với nền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam phải giải quyết nhiều thách thức để trở nên hấp dẫn hơn trong mắt những nhà đầu tư chất lượng cao, trong đó ông Tuấn nhấn mạnh vấn đề Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một hệ sinh thái hoàn chỉnh để hỗ trợ và kết nối với FDI.
Vì vậy, chi phí chuyển dịch ra khỏi Việt Nam trở nên rất rẻ và doanh nghiệp hoàn toàn có thể “đóng gói” dây chuyển sản xuất, đưa sang nước khác một cách nhanh chóng nếu có sự chênh lệch về lợi ích.
Mặt khác, môi trường đầu tư, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục là bài toán nhức nhối. Ông Tuấn lấy ví dụ về Intel, ông lớn công nghệ rất được chào đón đầu tư vào Việt Nam nhưng email của doanh nghiệp này gửi cho cơ quan công quyền sau ba tuần vẫn chưa có hồi âm.
Trong khi đó, một quốc gia khác thậm chí thành lập nguyên một ban tư vấn hoạt động 24/7 để hỗ trợ cho Intel. Rõ ràng, so sánh mức độ cạnh tranh về chính sách đầu tư, chỉ một câu chuyện nhỏ đã cho thấy Việt Nam vẫn còn thua kém so với đối thủ.
Nói về câu chuyện cải cách thể chế, chuyên gia kinh tế trưởng ADB nhìn nhận, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính nhưng vẫn chưa thực sự chú trọng đến câu chuyện nền tảng của thể chế.
Ông Hùng cho biết, nền tảng của thể chế bao gồm hệ thống luật lệ và chất lượng ngành tư pháp, chính là điểm khác biệt giữa quốc gia phát triển và đang phát triển. Nền tảng của thể chế tốt giúp cho các chủ thể, bao gồm doanh nghiệp thực hiện, tuân thủ và được bảo vệ lợi ích.
“Có trường hợp một hợp đồng kinh tế bị vi phạm, doanh nghiệp theo đuổi kiện tụng mất 5 – 7 năm mới xong thì chi phí rất lớn để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình”, ông Hùng nêu ví dụ.
Câu chuyện về cải cách thể chế và hệ sinh thái công nghiệp sẽ là tiền đề cho Việt Nam thu hút vốn FDI chất lượng cao. Tuy nhiên, Giám đốc khối đầu tư Quỹ Dragon Capital nhìn nhận, cần có sự quan tâm hơn nữa tới nguồn vốn trong nước để tránh sự bất cân xứng trong phát triển kinh tế.
Ông Tuấn dẫn chứng, những năm qua Việt Nam luôn thu hút rất tốt vốn FDI nhưng số liệu đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII – nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp nội) cho thấy đang bị bán ròng khoảng 7 tỷ USD trong 5 năm qua, mất đi nguồn lực tương đối lớn để khu vực doanh nghiệp nội phát triển.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận