Tổng thống Ukraine Zelensky nói sẽ không tham dự thượng đỉnh G-20 nếu có Tổng thống Nga Putin
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 3/11 cho biết ông sẽ không tham gia hội nghị thượng đỉnh G-20 sắp tới ở Indonesia nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có mặt.
Phát biểu trong cuộc họp báo với Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou tại Kiev, ông Zelensky nói: “Nếu lãnh đạo Nga có mặt, lãnh đạo Ukraine sẽ không tham gia.”
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ tham dự sự kiện này.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Indonesia – Retno Marsudi cho biết nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G-20 đang chờ Nga xác nhận về sự tham gia của ông Putin. Thậm chí, Tổng thống Nga có thể sẽ đợi đến phút chót mới đưa ra quyết định về việc tham dự G-20.
Bà Marsudi nói thêm rằng những khác biệt về vấn đề Ukraine đã khiến việc chuẩn bị cho cuộc họp trở nên đặc biệt khó khăn.
Việc Indonesia làm Chủ tịch G-20 năm nay và việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ngày 15-16/11 trên đảo Bali đã bị lu mờ bởi cuộc xung đột ở Ukraine. 20 nền kinh tế mạnh nhất thế giới không thống nhất về cách ứng phó với vấn đề này.
Khi Indonesia đảm nhận vai trò chủ tịch của G-20 vào tháng 12 năm ngoái, mối quan tâm lớn nhất của cộng đồng thế giới lúc đó là phục hồi sau đại dịch COVID-19, bà Marsudi nói, nhưng điều này đã thay đổi sau khi Nga khai màn chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2.
Bà Marsudi cho biết một số quốc gia đã tiếp cận vấn đề một cách cứng nhắc, và trong một số trường hợp, các thành viên của nhóm đã mất nhiều ngày để thống nhất về việc sử dụng một từ duy nhất. G-20 không đưa ra được tuyên bố chung tại một số cuộc họp trong năm nay, bao gồm cả cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao vào tháng 7. Hai nguồn tin ngoại giao nói với Reuters rằng các thành viên cũng khó có thể thống nhất về một tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Với tư cách là nước chủ nhà G-20, Indonesia đã nỗ lực để thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thăm cả Kiev và Mátxcơva vào tháng 6 và mời Tổng thống Zelensky của Ukraine tham dự hội nghị thượng đỉnh.
Tuy nhiên hôm 1/11, Ukraine đã kêu gọi G-20 tước tư cách thành viên của Nga và rút lại lời mời ông Putin dự hội nghị ở Bali.
Bình luận về đề nghị này, bà Marsudi cho biết đó không phải là đặc quyền của Chủ tịch G-20.
Indonesia nhấn mạnh rằng G-20 chỉ nên tập trung vào các vấn đề kinh tế, dù nước này đã bỏ phiếu thuận tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 10 để lên án việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine.
Ngoại trưởng Marsudi nói rằng việc bất đồng về vấn đề Ukraine là không thể tránh khỏi, nhưng G-20 vẫn “nguyên vẹn”. Bà cho biết một trong những thành công của năm nay là quỹ dành cho các đại dịch trong tương lai đã lên tới 1,4 tỷ đô la Mỹ, với sự đóng góp từ các quốc gia và nhóm như Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận