Tổng Giám đốc TPBank: Lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ giảm trong quý 3 và phục hồi trong quý 4
Trong chương trình tư vấn đầu tư chủ đề “Ngành Ngân hàng – Điểm sáng từ câu chuyện tăng vốn” được tổ chức ngày 28/07, các chuyên gia đã có nhận định về toàn cảnh ngành Ngân hàng, dự đoán về tình hình kinh doanh và triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm.
Nhiều yếu tố tích cực giúp lợi nhuận ngân hàng tăng cao trong nửa đầu năm 2021
Ngân hàng khác với các doanh nghiệp khác, phải hoạt động theo những gì được cho phép, bị giới hạn bởi nhiều chỉ số khác nhau, nên vấn đề làm sao để duy trì hoạt động lành mạnh, đảm bảo tuân thủ pháp luật là vấn đề đối với các ngân hàng.
Nguyên nhân theo bà Phương là do nửa đầu năm 2020 bị ảnh hưởng dịch Covid-19, nên nửa đầu năm nay dựa trên nền so sánh thấp của năm trước thì nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tốt. Thêm nữa, liên quan đến chu kỳ kinh tế, lãi suất giảm liên tục và duy trì thấp trong thời gian dài tạo thuận lợi cho ngân hàng.
Tuy nhiên, vẫn có 3 nguyên nhân chủ quan dẫn đến lợi nhuận các ngân hàng tăng trưởng tốt hơn. Thứ nhất, khả năng quản trị rủi ro của ngân hàng tại thời điểm này tốt hơn trước rất nhiều, giúp ngân hàng kiểm soát được rủi ro nếu có xảy ra.
Thứ hai, ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, nhưng chi phí quản lý lại thấp hơn, trong đó có dịch vụ ngân hàng bán lẻ, mức chi phí quản lý/thu nhập ngân hàng thấp giảm mạnh trong 4 năm qua, điều này giúp lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng mạnh.
Thứ ba, ngân hàng đang có nhiều sản phẩm tài chính, liên quan đến trái piếu doanh nghiệp, bảo hiểm nhân thọ, thanh toán thẻ, giúp nguồn thu ngân hàng đa dạng hơn.
Có thể nói, ngân hàng đang có những thay đổi rất tích cực so với chu kỳ tín dụng trước đây, điều này khiến cho định giá các ngân hàng đang quay trở lại mức đỉnh.
Lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ giảm trong quý 3 và phục trong quý 4
Ông Nguyễn Hưng cho biết trong tháng 7-8, ảnh hưởng dịch bệnh thể hiện rất rõ, có thể sẽ ảnh hưởng lợi nhuận cả năm của ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng đã có thể lường trước những ảnh hưởng này. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã ban hành Thông tư 03, cho phép ngân hàng cơ cấu lại nợ và giảm lãi nợ cho khách hàng. Thực tế, năm nay ngân hàng sẽ bị trích dự phòng bổ sung, điều này sẽ làm giảm lợi nhuận ngân hàng 2021. Nếu tính đúng nhóm nợ, thì những khoản nợ này đáng lẽ ra đã trở thành nợ xấu, thế nhưng hiện nay theo Thông tư 03 thì vẫn đang được tính theo nhóm nợ bình thường, nhưng ngân hàng phải làm sao để trích đủ dự phòng cho phần này. Do đó, các ngân hàng không nên quá lạc quan về kế hoạch lợi nhuận.
Thực tế trong kế hoạch kinh doanh, ngân hàng đã ước con số phải bổ sung thêm khoảng vài trăm tỷ đồng trong kế hoạch rồi, do đó sẽ không ảnh hưởng gì trong kế hoạch tăng trưởng 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn giãn cách, câu chuyện tiếp xúc khách hàng khó khăn có thể khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều này sẽ được bù đắp bởi việc ngân hàng sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí, duy trì được hoạt động bình thường trên nền tảng online, mọi hoạt động đều diễn ra bình thường. Ông Hưng nhận định việc gia hạn, cơ cấu lại nợ cho khách sẽ làm giảm doanh thu của ngân hàng, nhưng không lớn, có quyền kỳ vọng quý 3 sẽ giảm lợi nhuận hơn quý 2 trước khi phục hồi trở lại trong quý 4.
Như năm trước, quý 2-3/2020 tăng trưởng “lình xình”, việc tăng trưởng quý 4 đã bù lại phần thoái trào trong giai đoạn trước dịch bệnh. Bởi vì, so với thời điểm tháng 4/2020, tâm lý của nhà đầu tư cũng đã bình tĩnh hơn. Do đó, có cơ sở để tin tưởng quý 4 lợi nhuận ngân hàng sẽ phục hồi tốt hơn.
Bà Hoàng Việt Phương cho biết, hiện tại thì hoạt động kinh tế có chậm lại, nhưng mức độ thâm nhập của các dịch vụ ngân hàng vẫn dễ hơn nhờ kênh số hóa. Trong nửa đầu năm nay, tín dụng đang nghiêng về ngân hàng bán lẻ, điều này ngược hẳn năm trước. Đây cũng là dư địa cho ngân hàng thời gian tới.
Về tăng trưởng tín dụng, ông Hưng cho biết hiện nay room tín dụng không dồi dào, NHNN đề ra tăng trưởng tín dụng toàn ngành 12% và đang kiểm soát chặt chẽ. Tùy ngân hàng, mức tăng trưởng tín dụng sẽ khác nhau. Với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hiện tại, dù chịu áp lực dịch bệnh nhưng rõ ràng các ngân hàng vẫn cho rằng còn thiếu room tăng trưởng tín dụng. Với triển vọng năm nay, ngân hàng dự trù trong kế hoạch tỷ lệ tăng trưởng tín dụng không quá cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận