Tổng giám đốc OCB đăng ký mua 300.000 cổ phiếu
Giao dịch dự kiến diễn ra từ 11/12/2024 đến ngày 9/1/2025 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh qua sàn. Hiện nay, ông Hải không nắm bất cứ cổ phần OCB nào.
Ông Phạm Hồng Hải thông báo giao dịch cổ phiếu của Người nội bộ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (mã OCB-HOSE).
Theo đó, ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc đã đăng ký mua vào 300.000 cổ phiếu OCB, tỷ lệ 0,012% vốn ngân hàng.
Giao dịch dự kiến diễn ra từ 11/12/2024 đến ngày 9/1/2025 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh qua sàn. Hiện nay, ông Hải không nắm bất cứ cổ phần OCB nào.
Chốt phiên 6/12, giá cổ phiếu OCB ở mức 10.850 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, ước tính số tiền ông Hải sẽ chi ra để sở hữu số cổ phiếu trên khoảng 3,25 tỷ đồng.
Được biết, Ông Phạm Hồng Hải tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh Trường đại học Kinh tế TP.HCM năm 1995 và được bổ nhiệm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông kể từ ngày 16/7/2024.
Ông Hải đã có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức như: Phó chủ tịch công ty chứng khoán Thiên Việt, Giám đốc phòng kinh doanh vốn và ngoại hối – HSBC Việt Nam, Giám đốc khối dịch vụ tài chính toàn cầu, thị trường vốn và ngoại hối – HSCB Việt Nam, Tổng Giám đốc - HSBC Việt Nam, Giám đốc khối kinh doanh quốc tế - HSBC Canada.
Về kết quả kinh doanh, OCB ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 2.064,6 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 347 tỷ, giảm gần 68% so với cùng kỳ (1.083 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng, thu nhập từ lãi thuần của OCB đạt 5.952 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.018 tỷ đồng, giảm gần 36% so với cùng kỳ.
Theo giải trình từ OCB, lợi nhuận sau thuế giảm là do hoạt động kinh doanh ngoại hối và đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 362 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của thị trường.
Đồng thời, chi phí hoạt động tăng so với cùng kỳ năm ngoái do ngân hàng đầu tư hệ thống công nghệ, thực hiện mạnh mẽ chiến lược chuyển đổi số và mờ rộng mạng lưới hoạt động, tăng nhân sự trong năm 2024 đáp ứng nhu cầu phát triển của Ngân hàng.
Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhằm nâng cao chất lượng tài sản cũng như tạo bộ đệm dự phòng vững chắc cho ngân hàng trước thực trạng thị trường có nhiều biến số khó lường, đặc biệt về nợ xấu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường