menu
Tổng cục Hải quan chỉ đạo “siết chặt” nhập khẩu thiết bị vệ sinh có xuất xứ Trung Quốc
Dũng Bùi
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tổng cục Hải quan chỉ đạo “siết chặt” nhập khẩu thiết bị vệ sinh có xuất xứ Trung Quốc

Sau loạt bài nêu vấn đề của Báo điện tử Xây dựng về tình trạng các mặt hàng vật liệu xây dựng (VLXD) không rõ nguồn gốc, kém chất lượng có xuất xứ từ Trung Quốc “đội lốt” các thương hiệu chính hãng của Việt Nam cũng như của một số thương hiệu uy tín trên thị trường. Theo một diễn biến mới đây, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo các Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm tra đối với mặt hàng thiết bị vệ sinh, đặc biệt là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo đó, Tổng cục Hải quan cho biết, đã nhận được đơn kiến nghị của một số doanh nghiệp phản ánh hiện tượng nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm thiết bị vệ sinh nói chung, đặc biệt sản phẩm sứ vệ sinh nói riêng từ Trung Quốc với số lượng lớn và trị giá rất thấp. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cần thực hiện đúng quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hoá và ghi nhãn hàng hoá.

Trường hợp lô hàng thuộc diện kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế, Tổng cục Hải quan yêu cầu công chức Hải quan lưu ý kiểm tra, đối chiếu thông tin về tên hàng, chất lượng, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan với bộ chứng từ thuộc hồ sơ hải quan (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), hóa đơn thương mại…).

Trường hợp phát hiện người khai hải quan khai tên hàng hóa, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không phù hợp với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, không phù hợp với thông tin về hàng hóa đã khai trên C/O; các thông tin thể hiện trên nhãn hàng hóa không phù hợp thì xử lý theo quy định.

Đối với hàng hóa xuất khẩu, trường hợp có cơ sở nghi ngờ người khai hải quan khai xuất xứ hàng hóa không chính xác hoặc có dấu hiệu lợi dụng xuất xứ, ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tiến hành xác minh tại cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hoặc kiểm tra cơ sở sản xuất để xác định xuất xứ, nơi sản xuất của hàng hóa theo quy định. Trường hợp cần thiết thì tổng hợp, báo cáo và gửi hồ sơ về Tổng cục Hải quan để có hướng dẫn xử lý.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra trị giá khai báo trên tờ khai hải quan nhập khẩu với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan để xác định trị giá khai báo đúng quy định. Trường hợp có nghi vấn về trị giá khai báo thì thực hiện tham vấn, kiểm tra, xác định trị giá theo quy định.

Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu, các đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, giám sát hàng hóa tại cửa khẩu. Trong quá trình giám sát hàng hóa lưu giữ tại cửa khẩu nếu phát hiện hàng hóa không có nhãn mác, xuất xứ hoặc có nghi ngờ gian lận về số lượng, chủng loại, chất lượng, nguồn gốc hàng hóa thì thực hiện kiểm tra thực tế ngay tại cửa khẩu và chuyển thông tin cho Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để xử lý theo quy định.

Trường hợp doanh nghiệp vi phạm pháp luật, gian lận trốn thuế hoặc mặt hàng nhập khẩu có nghi vấn về trị giá, nhãn hiệu, số lượng thì thiết lập tiêu chí, đưa vào diện có rủi ro cao để áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát phù hợp, đồng thời tiến hành kiểm tra sau thông quan để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Trước đó, Báo điện tử Xây dựng đã có loạt bài phản ánh về việc: Hiện nay, tình trạng các mặt hàng VLXD không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, gian lận thương mại từ Trung Quốc “đội lốt” các thương hiệu chính hãng của Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới đang ngày càng diễn ra phổ biến. Các mặt hàng này có giá rẻ hơn nhiều so với các mặt hàng chính hãng và có mẫu mã, màu sắc đa dạng, bắt mắt, khó phân biệt; đặc biệt là các mặt hàng thiết bị vệ sinh như bồn tắm, bồn massage, vòi nước, chậu rửa, cửa nhựa... được làm nhái của các thương hiệu nổi tiếng như Toto, Inax, Kohler, Ceasar, American.

Thực trạng VLXD bị “bủa vây” bởi vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng lớn đến lòng tin, uy tín của nhiều thương hiệu sản xuất VLXD có tiếng trong nước. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Viglacera – CTCP cho biết: Các sản phẩm sứ vệ sinh được nhập khẩu ồ ạt từ Trung quốc với số lượng lớn và giá bán rất thấp đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước nói chung và bản thân Tổng Cty Viglacera nói riêng.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng hiện nay hầu hết chưa tự trang bị kỹ năng, kiến thức để mua được sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ. Đây cũng chính là nguyên nhân để hàng nhái, hàng kém chất lượng có cơ hội len lỏi rồi chiếm lĩnh ngày càng nhiều mặt hàng trên thị trường VLXD.

“Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của ngành VLXD và chúng có mặt ở mọi phân khúc của thị trường. Hệ lụy mà chúng ảnh hưởng đến không hề nhỏ, gây hại xấu đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng. Đồng thời khi người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng niềm tin đối với sản phẩm bị sụt giảm đều này còn tác động lớn đến doanh thu, uy tín của doanh nghiệp.

Mặc dù các mặt hàng VLXD được kiểm soát và có chế tài xử lý, nhưng chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan lại chồng chéo nên dù chịu sự kiểm tra, nhưng nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tràn ngập trên thị trường. Chính vì vậy, kiến nghị các cơ quan như Cục Quản lý thị trường, Tổng cục Hải quan, Công an kinh tế cần có quy chế, chính sách rõ ràng, đồng bộ, quy định rõ về chất lượng kiểm tra cũng như số lượng” – Ông Tuấn kiến nghị.

Liên quan đến hoạt động kiểm soát, ngăn chặn VLXD “nhái” tràn lan trên thị trường, ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho rằng: Để kiểm soát việc hàng giả, hàng nhái đối với các sản phẩm sứ vệ sinh, kính xây dựng nói riêng và VLXD nói chung, các cơ quan chức năng cần thực hiện các giải pháp sau:

Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thương mại, quản lý thị trường, tạo hành lang pháp lý toàn diện và đồng bộ, khắc phục những khoảng trống, những sơ hở trong quản lý nhà nước để các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không thể lợi dụng.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Công an và các cơ quan hữu quan khác trong công tác ngăn chặn, điều tra và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa VLXD.

Tổ chức kiểm tra, thanh tra các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm VLXD trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thanh tra Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thanh tra chuyên ngành về các hoạt động trong lĩnh vực VLXD trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tăng chế tài xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chứng từ hóa đơn đầu vào, đầu ra đối với việc sản xuất tiêu thụ hàng VLXD để phát hiện hàng giả, hàng nhái. Tăng cường kiểm tra phát hiện các tổ chức cá nhân liên quan đến buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Hiện nay, ngành sản xuất VLXD tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, các sản phẩm VLXD nói chung, trong đó có sứ vệ sinh và kính xây dựng nói riêng cơ bản đã thỏa mãn được nhu cầu tiêu dùng của xã hội, đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và một phần xuất khẩu ra nước ngoài.

Hơn lúc nào hết, việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái là việc làm cấp thiết và cần có sự vào cuộc quyết liệt đồng bộ của cả hệ thống chính quyền. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng phải tự trang bị cho mình kiến thức cần thiết để phân biệt hàng giả và hàng thật. Có như vậy thì mới từng bước đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan hiện nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả