Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cần doanh nghiệp đủ mạnh để phát triển kinh tế
Việt Nam cần có các doanh nghiệp bản địa mạnh để xây dựng, phát triển nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Tại cuộc gặp các doanh nhân thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chiều 22/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết sau 40 năm đổi mới, Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức mới, song "chưa bao giờ có thế và lực như ngày nay".
Ông nhắc lại Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị yêu cầu tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển kinh doanh trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Cùng với đó, Nghị quyết cũng khẳng định tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển, cống hiến.
"Không một tập đoàn lớn nào, kể cả trong nước và quốc tế, không khởi nguồn từ doanh nghiệp nhỏ. Việt Nam cần có các doanh nghiệp bản địa mạnh để xây dựng, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh ", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, đóng góp khoảng 50% GDP và 35% tổng thu ngân sách mỗi năm. Số này tạo việc làm, thu nhập cho hơn 50% người lao động.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận tinh hoa kinh doanh thế giới. Ông lưu ý doanh nghiệp cần "nói không với gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, kém chất lượng". Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phải định hướng các thành viên tuân thủ luật pháp, chuẩn mực kinh doanh tiến bộ, nộp thuế và các nghĩa tài chính.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, thời gian tới, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đẩy mạnh, không ngừng, không vùng cấm và ngoại lệ. Ông mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân sẽ "đồng hành, hưởng ứng bằng trách nhiệm, trí tuệ".
Số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy trong nửa đầu năm, gần 120.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng trên 110.000 đơn vị rút lui khỏi thị trường. Điều này đồng nghĩa nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt thời cơ, lợi thế để bứt phá. Nhưng cũng không ít đơn vị khó khăn, giảm đơn hàng do cạnh tranh và yêu cầu ngày càng cao từ đối tác.
Trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều thách thức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong và tin tưởng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ động đổi mới, tái cấu trúc, nâng sức cạnh tranh, đầu tư công nghệ, tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định FTA". Điều này sẽ góp phần xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận