Tin mới về Covid-19 ngày 4/1: Ghi nhận 24 ca mắc bởi biến chủng Omicron; ngăn Omicron từ sân bay
Trước việc gia tăng số ca mắc biến chủng mới Omicron, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế nâng cao năng lực điều trị.
Không chủ quan
Đầu tháng 12, Bộ Y tế liên tiếp phát đi nhiều cảnh báo về nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron.
Cơ quan này cũng có nhiều văn bản đề nghị các địa phương chủ động các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới. Theo nhiều chuyên gia, việc Omicron lây lan đến Việt Nam là tất yếu sự giao thương quốc tế.
Trong thông tin tối 3/1, Bộ Y tế thống kê Việt Nam đã ghi nhận 24 ca mắc Covid-19 bởi biến chủng Omicron. Tất cả đều là người trở về từ nước ngoài, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Trong tình hình mới, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn cho nhân viên y tế và chính quyền cơ sở để tổ chức tốt điều trị tại nhà, tại cơ sở cho người nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ thấp và trung bình.
Điều này nhằm tránh tình trạng dồn F0 lên bệnh viện các tuyến gây quá tải. Đặc biệt, Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát, chủ động tăng cường năng lực hệ thống y tế, có kế hoạch rõ ràng với các kịch bản cụ thể, không để bị động.
Về phía Bộ, cơ quan này đang tiếp tục chủ động bám sát diễn biến dịch do chủng Omicron gây ra, thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này.
Ngăn Omicron từ sân bay
Từ ngày 1/1, hành khách khi nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM sẽ đăng ký mã QR cá nhân qua ứng dụng PC-Covid.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ bố trí khu vực xét nghiệm kháng nguyên nhanh SARS-CoV-2 và phối hợp các hãng hàng không quốc tế hướng dẫn người nhập cảnh về xét nghiệm tại sân bay.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì người nhập cảnh sẽ được hướng dẫn đến điểm kiểm soát để thực hiện các thủ tục rời sân bay về nơi cư trú.
Trong suốt quá trình di chuyển từ cửa khẩu nhập cảnh về nơi lưu trú, người nhập cảnh phải thực hiện quy định 5K, phương tiện đưa đón người nhập cảnh phải đảm bảo quy định an toàn trong phòng chống dịch Covid-19.
Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính, người nhập cảnh sẽ được cách ly ngay và chuyển về Bệnh viện Dã chiến số 12 để thu dung, điều trị.
Người nhập cảnh tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính tại sân bay sẽ được về nhà tự theo dõi sức khoẻ, trong quá trình cách ly không được tiếp xúc với người xung quanh, không ra khỏi nơi lưu trú trong vòng 3 ngày.
Người nhập cảnh sẽ được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 3 và phải khai báo y tế mỗi ngày thông qua ứng dụng PC-Covid. Trong trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng, người bệnh phải báo ngay trạm y tế.
Người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin Covid-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh ở sân bay âm tính được về cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Những người này sẽ được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 3 và thứ 7.
Tỷ lệ nhập viện của biến thể Omicron thấp hơn Delta
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá nguy cơ lây lan dịch do biến thể Omicron là "rất cao", song cũng cho rằng những dữ liệu ban đầu dường như cho thấy biến thể này không gây ra tình trạng mắc bệnh nặng như biến thể Delta.
Cơ quan an ninh y tế Anh (HSA) mới đây công bố một nghiên cứu phân tích 528.176 ca nhiễm biến thể Omicron và 573.012 ca nhiễm biến thể Delta.
Kết quả cho thấy nguy cơ ca nhiễm Omicron phải đưa vào chăm sóc cấp cứu hoặc nhập viện bằng một nửa so với nhiễm Delta, nếu chỉ tính riêng nguy cơ nhập viện thì bằng 1/3.
Bên cạnh đó, số ca cần đến giường trợ thở cũng không tăng lên như giai đoạn đỉnh của các làn sóng dịch trước.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, nguy cơ nhập viện thấp hơn đối với các ca nhiễm Omicron có triệu chứng hoặc không có triệu chứng sau khi tiêm chủng 2 và 3 mũi vắc-xin, với tỷ lệ giảm 81% nguy cơ nhập viện sau 3 mũi tiêm so với các ca nhiễm Omicron chưa tiêm chủng.
Tại Nam Phi, các nghiên cứu từ khi phát hiện Omicron cũng cho thấy nguy cơ bệnh trở nặng hay phải nhập viện do nhiễm biến thể này là thấp hơn so với nhiễm biến thể Delta.
Các nhà khoa học tại Viện quốc gia về dịch bệnh truyền nhiễm của Nam Phi (NICD) đã phân tích các ca nhiễm Omicron từ tháng 10-11/2021 với các ca nhiễm Delta từ tháng 4-11/2021 và kết luận nguy cơ phải nhập viện vào khoảng 80%. Với các ca nhập viện, nguy cơ mắc bệnh nặng ở những người bị nhiễm Omicron thấp hơn khoảng 30% so với Delta.
Trong khi đó, tại Delhi (Ấn Độ), dữ liệu từ ngày đầu của năm 2022 so với từ tháng 3/2021 cho thấy tỷ lệ nhập viện giảm khá nhiều.
Khi số ca nhiễm hàng ngày hồi tháng 3/2021 vào khoảng 6.000 ca thì số bệnh nhân phải sử dụng giường trợ thở là 1.150 ca.
Ngày 1/1 vừa qua, ở Delhi chỉ có 82 ca phải sử dụng giường trợ thở. Số ca phải sử dụng máy thở cũng giảm từ 145 ca hồi tháng 3/2021 xuống 5 ca trong ngày đầu Năm mới.
Nguy cơ của Omicron với trẻ em
Tại Mỹ, Omicron lây lan nhanh chóng đồng thời có một tỷ lệ tăng mạnh số ca trẻ em phải nhập viện điều trị.
Trong khi tình trạng này khiến các chuyên gia lo ngại, mức độ nặng do biến thể này gây ra dường như không đáng báo động.
Theo các dữ liệu chính thức, trong tuần lễ kết thúc ngày 28/12/2021, nhóm tuổi từ 0-17 chứng kiến mức tăng 66% số ca phải nhập viện.
Mức tăng này cao hơn con số ở đỉnh dịch do biến thể Delta gây ra. Mặc dù vậy, dữ liệu ban đầu cho thấy các ca nhiễm Omicron ở trẻ em có triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với nhiễm biến thể Delta.
Cựu ủy viên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), Tiến sĩ Scott Gottlieb cảnh báo rằng, mặc dù biến thể Omicron đang được cho là nhẹ hơn biến thể Delta, nhưng nó tiềm ẩn mối đe dọa lớn cho trẻ em với một số ca bị các triệu chứng nặng như viêm nhiễm đường hô hấp trên.
Rebecca Madan, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi tại hệ thống bệnh viện Y tế Langone của Đại học New York, cho biết nhiều trẻ nhập viện do nhiễm biến thể Omicron cần được trợ thở và bù nước. Nhiều ca cũng bị sốt cao.
Dữ liệu mới nhất từ Viện Nhi khoa Mỹ cho thấy trẻ em chiếm hơn 20% tổng số ca mắc được báo cáo hàng tuần trong tuần kết thúc vào ngày 23/12/2021. Trẻ em cũng chiếm 1,8% đến 4,1% tổng số ca nhập viện trong số 24 bang báo cáo dữ liệu bệnh nhi mắc Covid-19.
Các chuyên gia y tế tiếp tục khuyến khích các bậc phụ huynh đưa trẻ đi tiêm phòng để bảo vệ trẻ khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do biến thể Omicron gây ra.
Các bậc phụ huynh cũng được khuyến khích xem xét lại việc thay thế khẩu trang vải bằng khẩu trang dùng một lần, như khẩu trang y tế và khẩu trang N95.
Khẩu trang vải vẫn có thể sử dụng, nhưng theo các chuyên gia y tế, không nên chỉ dùng loại này mà nên đeo khẩu trang vải bên ngoài khẩu trang y tế ba lớp.
FDA cấp phép tiêm mũi tăng cường vắc-xin của Pfizer cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 3/1 đã mở rộng cấp phép sử dụng khẩn cấp tiêm mũi tăng cường vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi.
FDA cũng đã rút ngắn thời gian cần thiết trước khi tiêm mũi tăng cường từ ít nhất sáu tháng sau khi hoàn thành loạt đầu tiên xuống còn ít nhất năm tháng, áp dụng đối với mọi người từ 12 tuổi trở lên.
Liều tăng cường vắc-xin của Pfizer dành cho đối tượng từ 12-15 tuổi có cùng hàm lượng với hai liều ban đầu là 30 microgram.
Trẻ em từ 12 - 15 tuổi tại Mỹ đủ điều kiện tiêm hai liều vaccine chính của liên doanh Pfizer/Pfizer/BioNTech Covid-19 vào giữa tháng 5 năm ngoái.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hiện tại, khoảng một nửa nhóm dân cư từ 12 - 15 tuổi tại Mỹ, tức khoảng 8,7 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ.
Khoảng 5 triệu trong số đó đã được tiêm chủng đầy đủ trong hơn năm tháng và hiện đủ điều kiện để được tiêm mũi tăng cường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường