Thuế 'lướt sóng' nhà đất
Như mọi đề xuất khác liên quan đến bất động sản, dự định đánh thuế với thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ ngay lập tức thổi bùng lên tranh cãi.
Phía phản đối lo ngại, "áp" rồi thì thuế sẽ lại bằng cách nào đó len lỏi vào giá thuê, giá bán, chỉ khổ cho những người không hoặc chưa có nhà ở. Phía đồng tình hy vọng, giải pháp này sẽ hạn chế được đầu cơ, trả lại "cung" cho người có nhu cầu, từ đó đưa giá nhà đất hạ xuống.
Vận dụng cách đánh thuế như nào với bất động sản hiện nay là điều cần cân nhắc kỹ lưỡng, liên quan đến những vấn đề riêng của thị trường nhà đất Việt Nam.
Các quốc gia thường áp dụng thuế bất động sản ở các dạng chủ yếu sau:
Thuế áp dụng với hành vi không đưa bất động sản vào sử dụng, ví dụ Canada áp thuế 1% với nhà bỏ không, Anh đánh thuế bổ sung với nhà bỏ không ít nhất một năm...
Dạng thứ ba, tương đối phổ biến, là mức thuế cao hơn với người nắm giữ bất động sản trong thời gian ngắn. Singapore áp thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán đất năm đầu tiên, sau hai năm là 50%. Đài Loan áp dụng thuế suất 45% với người mua bán lại bất động sản trong hai năm đầu, trong 2-5 năm là 35%, trong 5-10 năm là 20%. Hàn Quốc cũng áp dụng thuế lên 70% với người bán nhà năm đầu tiên.
Ở Việt Nam, Nghị quyết của Trung ương đặt ra yêu cầu nghiên cứu "quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang". Như vậy, trong tương lai, mức thuế cao hơn sẽ áp dụng với ba nhóm: "sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở" (dựa trên số lượng), "đầu cơ đất đai" (căn cứ vào thời gian sở hữu) và "chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang" (xác định không đưa đất vào sử dụng) - tương tự quy định của nhiều nước hiện nay.
Đề xuất trong dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi của Bộ Tài chính chủ yếu nhắm vào việc ngăn chặn hành vi đầu cơ, thay cho quy định hiện hành, đang áp dụng chung thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng, không phân biệt thời gian nắm giữ. Bộ Tài chính kỳ vọng, nếu được đưa vào chương trình xây dựng luật, Quốc hội sẽ cho ý kiến cuối năm 2025 và xem xét thông qua dự thảo vào kỳ họp giữa năm 2026.
Tuy chưa được chi tiết hóa, tôi cho rằng, giải pháp này hợp lý hơn so với việc áp dụng thuế lũy tiến với người sở hữu nhiều bất động sản. Mức thuế cao khi thời gian nắm giữ ngắn, về lý thuyết, có thể góp phần hạn chế được tình trạng đầu cơ, làm giảm những chiêu trò bán chênh "lướt sóng" bất động sản.
Giới đầu cơ thông thường sẽ dùng đòn bẩy tài chính trong thời gian ngắn. Việc phải duy trì bất động sản thời gian dài sẽ dẫn đến những áp lực tài chính cho họ. Mức thuế cao làm tăng chi phí và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ bất động sản. Tính thanh khoản với những trường hợp mua đi bán lại vì thế sẽ giảm.
Nhưng công cụ thuế này nếu muốn phát huy hiệu quả, cần được đi kèm với ít nhất các điều kiện sau:
Thứ nhất là phải hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất - cũng là một yêu cầu đặt ra trong Luật Đất đai 2024. Nếu tình trạng "hai giá" khi giao dịch bất động sản cũng như thanh toán bằng tiền mặt chưa được giải quyết thì việc đánh thuế sẽ vẫn không dễ dàng và cũng khó bảo đảm sự công bằng.
Thứ hai là đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin về đăng ký giao dịch đất đai, bất động sản đầy đủ - đây là cơ sở để giúp các cơ quan thuế có được thông tin thời gian nắm giữ bất động sản để áp dụng một cách chính xác
Khi những điều kiện cơ bản này được đáp ứng thì công cụ thuế hạn chế lướt sóng bất động sản mới thật sự "đúng" và "trúng": đúng mục tiêu điều tiết thị trường, trúng đối tượng đầu cơ.
Phạm Thanh Tuấn
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường