Thực hư câu chuyện môi giới bất động sản đẩy giá, nhiễu loạn thị trường?
Đã có nhiều quan điểm khác nhau về môi giới bất động sản, trong đó có quan điểm cho rằng, môi giới bất động sản đẩy giá, nhiễu loạn thị trường. Tuy nhiên, để thị trường bất động sản vận hành an toàn và minh bạch, vai trò của môi giới đang ngày càng được đánh giá cao, với những yêu cầu ngày càng khắt khe.
Chia sẻ tại họp báo “Thực hư chuyện môi giới bất động sản (BĐS) đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường" ngày 31/10, TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho rằng, thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao thông tin liên quan đến việc cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS có hành vi cấu kết, đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường. Tuy nhiên, môi giới BĐS không phải là nguyên nhân chính khiến BĐS bị đẩy giá trong thời gian qua.
Môi giới BĐS đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối cung - cầu trên thị trường, giúp kết nối giữa chủ đầu tư, nhà phát triển BĐS và khách hàng, nhà đầu tư trong giao dịch mua, bán, thuê cho thuê BĐS. Hàng năm, lực lượng này giúp thị trường BĐS kết nối thành công hàng trăm ngàn sản phẩm với giá trị giao dịch ước đạt hàng triệu tỷ đồng.
“Môi giới BĐS đóng vai trò kết nối các thị trường với nhau, từ thị trường vùng này với vùng khác, liên vùng, thị trường trong nước với quốc tế và ngược lại; kết nối thị trường BĐS với thị trường xây dựng, thị trường vốn, thị trường tài chính.
Qua đó, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung”, ông Đính nói.
Họp báo “Thực hư chuyện môi giới bất động sản (BĐS) đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường".
Cũng theo Chủ tịch VARS, hành lang pháp lý mới ngày càng siết chặt hoạt động môi giới BĐS, làm tăng tính kỷ luật và chuyên nghiệp của nghề. Luật Kinh doanh BĐS 2023, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024 đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024 góp phần giúp hành lang pháp lý liên quan đến thị trường BĐS trở lên hoàn thiện hơn.
Trong đó, có các quy định tương đối chặt chẽ đối với hoạt động môi giới BĐS. Cá nhân hành nghề môi giới BĐS phải đáp ứng các điều kiện: có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS. Điều này đồng nghĩa với việc, muốn hành nghề môi giới BĐS, các cá nhân phải trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng.
Với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, luật cũng quy định rất chặt chẽ, yêu cầu phải có quy chế hoạt động; có cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu; có ít nhất 1 cá nhân có chứng chỉ hành nghề. Trước khi hoạt động kinh doanh môi giới BĐS phải gửi thông tin về doanh nghiệp đến cơ quan quản lý về kinh doanh BĐS cấp tỉnh nơi thành lập doanh nghiệp để đăng tải thông tin trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS.
Không chỉ vậy, luật cũng quy định rất rõ về các biện pháp xử phạt đối với các nhân, doanh nghiệp hoạt động môi giới không đạt chuẩn, cung cấp thông tin sai lệnh, thiếu chính xác, gây ảnh hưởng tới khách hàng, nhà đầu tư.
“Nghề môi giới BĐS càng được quan tâm, chú trọng. Vai trò, mức độ ảnh hưởng của nghề cũng được nhìn nhận, đánh giá đúng hơn. Vì vậy các quy định cũng dần chặt chẽ hơn và được luật hóa để bảo đảm tính công khai, minh bạch của hoạt động môi giới. Góp phần phát triển thị trường một cách ổn định, bền vững”, ông Đính khẳng định.
Thời gian vừa qua, câu chuyện về giá bán BĐS luôn là chủ đề nóng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận toàn xã hội. Không chỉ với căn hộ chung cư mà biệt thự, liền kề, đất đấu giá cũng lần lượt được gọi tên.
Người dân choáng váng vì mỗi lúc giá bán BĐS lại bị đẩy lên cao. Thị trường giống như biển lớn, giá bán như những đợt sóng. Sóng sau cao hơn sóng trước. Đây là hệ quả của việc thiếu hụt trầm trọng nguồn cung nhà ở có giá bán bình dân trong suốt một thời gian dài. Trong khi nhu cầu đối với phân khúc này cả để ở và đầu tư luôn neo ở mức cao. Cung không đáp ứng được cầu, khiến cầu bị nén lại.
Trong câu chuyện tăng giá đó, không loại trừ những trường hợp đầu cơ, trục lợi, lợi dụng sự mất cân bằng của cung - cầu để ôm hàng, thổi giá nhằm “lướt sóng”, kiếm chênh lệch. Tuy nhiên, cần xác định rất rõ, đây là hành vi của những “tay đầu cơ”, có tài chính.
Hành vi của họ là quan sát, lắng nghe, theo dõi từng biến động của thị trường. Ngay khi nhận thấy cơ hội, họ liều lĩnh chốt, găm hàng, tìm “mồi ngon” và sang tên, hưởng chênh lệch. Những đối tượng này hoàn toàn khác với môi giới BĐS.
“Môi giới BĐS làm nghề và hưởng thù lao từ hoạt động tư vấn, giới thiệu và chốt khách. Họ không đủ tài chính để ôm hàng, chờ tăng giá. Nếu có, thì số lượng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, không đủ để điểm mặt, đặt tên, chứ chưa nói đến nguy cơ “tạo sóng” hay “lũng đoạn thị trường. Cần tránh nhầm lẫn, đánh đồng môi giới BĐS với đầu cơ”, ông Đính chỉ rõ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận