Thoái lui dự án lớn ở Việt Nam, Keppel đang kinh doanh ra sao?
Nửa đầu năm 2024, Keppel ghi nhận doanh thu hơn 3.2 tỷ SGD (gần 2.5 tỷ USD), giảm 13% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng hơn 304 triệu SGD (233 triệu USD), giảm gần 32%.
Có trụ sở chính tại Singapore, Keppel là một trong những tập đoàn lớn và đa ngành hàng đầu trong khu vực. Vào đầu năm 2024, Keppel cũng đã đổi tên từ Keppel Corporation Limited thành Keppel Ltd., nhằm thực hiện quá trình chuyển đổi tầm nhìn 2030, từ bỏ cấu trúc tập đoàn để trở thành nhà quản lý và điều hành tài sản trên toàn cầu, với các phân khúc bổ trợ là cơ sở hạ tầng, bất động sản và kết nối.
Tính đến cuối tháng 6/2024, Keppel có khoảng 98 tỷ SGD (hơn 75 tỷ USD) tài sản được quản lý (Asset Under Management - AUM). Để thúc đẩy tăng trưởng, Keppel có kế hoạch mở rộng quỹ quản lý (Funds Under Management - FUM) từ 85 tỷ SGD (hơn 65 tỷ USD) vào cuối tháng 6/2024 lên 200 tỷ SGD (gần 154 tỷ USD) năm 2030, với mục tiêu ngắn hạn đạt được 100 tỷ SGD (gần 77 tỷ USD) FUM vào cuối năm 2026.
Nền tảng quản lý quỹ của Keppel Nguồn: Keppel |
Lợi nhuận nửa đầu năm đi lùi
Nửa đầu năm 2024, Keppel mang về doanh thu hơn 3.2 tỷ SGD (gần 2.5 tỷ USD), giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Mảng cơ sở hạ tầng vẫn là nguồn thu chính, đóng góp gần 2.3 tỷ SGD (1.8 tỷ USD), giảm 10%; hoạt động bất động sản giảm sâu 44%, còn gần 298 triệu SGD (229 triệu USD) và mảng kết nối hơn 653 triệu SGD (501 triệu USD), tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ.
Keppel cho biết, doanh thu từ mảng bất động sản giảm chủ yếu là do doanh thu thấp từ các dự án giao dịch bất động sản tại Trung Quốc, ít đơn vị hoàn thành và bàn giao trong giai đoạn này, cũng như doanh thu thấp hơn từ các dự án tại Singapore và Ấn Độ.
Cơ cấu doanh thu nửa đầu năm 2024 của Keppel Nguồn: Keppel |
Nếu xét ở khu vực, Singapore vẫn là nơi đem về doanh thu chính cho Keppel với hơn 3 tỷ SGD (2.3 tỷ USD), kế đến là Trung Quốc gần 134 triệu SGD (103 triệu USD), còn lại từ các quốc gia khác.
Nguồn: Người viết tổng hợp
Lợi nhuận ròng nửa đầu năm nay của Keppel đạt hơn 304 triệu SGD (233 triệu USD), giảm gần 32% so với cùng kỳ.
Keppel cho hay, các tài sản ngoài khơi và hàng hải (O&M) cũ ghi nhận mức lỗ ròng 209 triệu SGD (hơn 160 triệu USD) trong nửa đầu năm 2024, chủ yếu là do khoản lỗ giá trị hợp lý trên cổ phiếu Seatrium so với mức tăng trong nửa đầu năm 2023. Bên cạnh đó, chi phí tài chính cao hơn và chi phí khấu hao trên các khoản phải thu bằng giấy nợ, cũng như tỷ lệ lỗ cao từ một công ty liên kết khiến lợi nhuận giảm.
Đóng góp lợi nhuận theo từng lĩnh vực của Keppel
Nguồn: Keppel
Tính đến ngày 30/6/2024, Keppel có tổng tài sản hơn 27.7 tỷ SGD (hơn 21 tỷ USD) tăng hơn 3% so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản với tỷ lệ 25% là khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết gần 7 tỷ SGD (5.4 tỷ USD). Keppel cũng nắm giữ hơn 1.4 tỷ SGD (hơn 1 tỷ USD) tiền và tương đương tiền, tăng gần 14% so với đầu năm.
Keppel còn hơn 16.5 tỷ SGD (12.7 tỷ USD) nợ phải trả, tăng hơn 4% so với đầu năm; phần lớn là các khoản nợ vay ngắn và dài hạn hơn 11.7 tỷ SGD (9 tỷ USD), chiếm 71% tổng nợ và chiếm 42% tổng tài sản.
Nguồn: Người viết tổng hợp
Việt Nam là thị trường bất động sản lớn thứ 2 của Keppel?
Đối với khu đất dân cư, đến cuối tháng 6, Trung Quốc là thị trường lớn nhất với 16,054 căn, chiếm 44% tổng số căn; Việt Nam xếp vị trí thứ hai với 8,278 căn, tương đương 23%; Indonesia 7,114 căn, chiếm 20%; Ấn Độ 4,486 căn và Singapore với 150 căn, lần lượt chiếm 12% và 1%.
Tương tự, xét về danh mục thương mại, với tổng diện tích sàn xây dựng (GFA) là 401,210m2, Việt Nam vẫn là thị trường lớn thứ hai của Keppel, chiếm 27% trong tổng diện tích sàn gần 1.49 triệu m2 của tập đoàn này. Trung Quốc lớn nhất với 536,340m2, chiếm 36%.
Nguồn: Keppel |
Ngoài ra, quỹ đất dân cư của Keppel tại Việt Nam, đến ngày 30/6/2024 có 7 dự án, đều nằm tại TPHCM. Các dự án này có tổng cộng 14,023 căn; trong đó, 6,527 căn đã ra mắt, 5,745 căn đã bán và 8,278 căn sẵn sàng để bán. Trong nửa cuối năm 2024, có 2 dự án tại TPHCM sẵn sàng tung sản phẩm ra thị trường là Celesta Rise và Celesta Avenue.
Nguồn: Keppel |
Với lĩnh vực bất động sản, ông Loh Chin Hua - Giám đốc điều hành Keppel chia sẻ: Trung Quốc là một thị trường khó khăn, do vậy, Keppel đang xem xét một số cơ hội và hướng tới thị trường ở Singapore và Việt Nam.
Tại buổi đối thoại với cổ đông vào đầu tháng 8, bà Christina Tan - Tổng Giám đốc điều hành, Quản lý quỹ và Giám đốc đầu tư cho biết: Keppel đang xem xét đến lĩnh vực giáo dục.
Theo bà Christina, mảng giáo dục sẽ tạo ra lợi nhuận cao so với hầu hết các lĩnh vực. Do vậy, đây là lĩnh vực rất thú vị, vì Keppel là một trong những người đi đầu trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Keppel cũng đang xem xét các phân khúc nhà ở trong tương lai, chẳng hạn như nhà ở cho sinh viên.
Liên quan đến bất động sản, trong thông báo ngày 30/9, Jencity Limited (công ty con của Keppel) cho hay, sẽ bán 35% vốn điều lệ Công ty TNHH Saigon Sports City (SSCL) cho Công ty TNHH HTV Đại Phước và 35% còn lại cho CTCP Đầu tư Bất động sản Vinobly. Sau giao dịch này, Jencity sẽ chỉ còn nắm giữ 30% vốn điều lệ của SSCL. SSCL hiện là chủ dự án Saigon Sport City, quy mô vốn đầu tư 500 triệu USD.
Ngoài ra, công ty Nhật Bản Toshin Development Co., Ltd. (Toshin) đã quyết định rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam thông qua việc mua gần 46.4 triệu cp phổ thông mới của Himawari VNSC3 Pte Ltd (Himawari) - một công ty con của Keppel. Thông qua thương vụ này, Toshin sẽ gián tiếp tham gia vào dự án Saigon Centre giai đoạn 3. Dự án tọa lạc tại khu vực trung tâm sôi động nhất của TPHCM.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận