Thiếu vốn, doanh nghiệp vay mượn của sếp cả chục tỷ đồng
Thiếu vốn sản xuất kinh doanh, chủ tịch và một số cá nhân cho doanh nghiệp vay, mượn lên tới hàng chục tỷ đồng.
Chủ tịch cho vay 10 tỷ đồng
Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (NHA) vừa thông qua kế hoạch vay vốn từ Chủ tịch HĐQT Nguyễn Minh Hoàn, tổng số tiền 10 tỷ đồng, thời gian vay 12 tháng (từ ngày 3/7/2023 đến 3/7/2024). Mục đích vay để bổ sung thêm nguồn vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo tài chính quý I/2023, Nhà và Đô thị Nam Hà Nội ghi nhận doanh thu hơn 12 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt 2,6 tỷ đồng giảm 71% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty Nhà và Đô thị Nam Hà Nội vay tiền bổ sung nguồn vốn lưu động.
Trong năm 2023, Nhà và Đô thị Nam Hà Nội đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 130 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 25 tỷ đồng. Kết thúc 3 tháng đầu năm 2023, Nhà và Đô thị Nam Hà Nội hoàn thành 9,2% doanh thu và 10,4% lợi nhuận so với kế hoạch đặt ra năm 2023.
Trên thị trường, cổ phiếu NHA đang duy trì ổn định quanh mức gần 20.000 đồng/cp, tăng 63% so với hồi đầu năm.
Quốc Cường Gia Lai mượn cá nhân trăm tỷ
Theo báo cáo tài chính của CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) tính đến hết quý I/2023, bà Nguyễn Thị Như Loan đang cho doanh nghiệp này mượn gần 88 tỷ đồng. Hiện, bà Nguyễn Thị Như Loan giữ vai trò là thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Quốc Cường Gia Lai vạy cá nhân trong ban lãnh đạo hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài bà Loan, ông Lầu Đức Duy cho QCG mượn gần 100 tỷ đồng. Bà Lại Thị Hoàng Yến cho mượn gần 5,2 tỷ đồng.
Không những vậy, một số doanh nghiệp khác cũng cho QCG mượn tiền như CTCP Bất động sản Hiệp Phúc số tiền lên tới 272 tỷ đồng. CTCP TNHH XD & KD Nhà Phạm Gia cho mượn 152,8 tỷ đồng. CTCP LYN Property cho mượn 12,6 tỷ đồng. CTCP Bến du thuyền Đà Nẵng cho mượn 311 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của QCG đạt gần 166 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ bất động sản vẫn đóng vai trò chủ yếu với gần 134 tỷ đồng, tương đương 81% tổng doanh thu, còn lại là doanh thu từ bán hàng hóa và bán điện.
Tuy nhiên, một số chi phí phát sinh trong kỳ như chi phí tài chính và chi phí bán hàng lần lượt tăng 55% và 18%, lên 11 tỷ đồng và gần 2 tỷ đồng, khiến QCG chỉ lãi vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng trong quý đầu năm 2023, giảm 91% so với cùng kỳ.
Trên thị trường, kết phiên giao dịch ngày 7/7, cổ phiếu QCG đạt 8.060 đồng/cp, đây là mức giảm khá sâu so với phiên ngày 14/6.
Cổ phiếu QCG có chuỗi 13 phiên tăng trần liên tiếp từ 26/5-13/6. Ở thời điểm cao nhất, QCG có giá 12.050 đồng/cp. Nếu so với vùng đáy hồi giữa tháng 11/2022, giá QCG cao gấp 3,6 lần, vốn hóa tăng thêm hơn 2.400 tỷ đồng.
Cá nhân ngoài doanh nghiệp cho vay chục tỷ
Trong khi đó, CTCP Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế - Interserco (ILS) vay một số cá nhân không liên quan đến ban lãnh đạo và người thân trong doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng.
Tại báo cáo tài chính quý I/2023, Interserco vay ngắn hạn ông Nguyễn Minh Tuấn 74,25 tỷ đồng, lãi suất 5%, thời hạn vay 6 tháng kể từ ngày nhận được tiền. Tính đến 10/3, tổng số tiền vay ông Tuấn bao gồm cả gốc và lãi hơn 76 tỷ đồng.
Tương tự, Interserco có khoản vay ngắn hạn với bà Đào Thị Kim Oanh số tiền 3 tỷ đồng, lãi suất 6%/năm. Một khoản vay khác từ bà Oanh là 500 triệu đồng, lãi suất 7%/năm. Mục đích vay để sản xuất kinh doanh, khoản vay tự động gia hạn nếu Interserco chưa thực hiện thanh toán.
Ngoài ra, Interserco thông qua công ty con vay các cá nhân số tiền lên tới hàng tỷ đồng.
Đơn cử, CTCP Cảng Sơn Tây vay bà Phạm Thị Mai Phương 2 tỷ đồng, lãi suất 2%/năm. CTCP Cảng Sơn Tây vay bà Nguyễn Minh Hảo số tiền 1,96 tỷ đồng, lãi suất 5%/năm, thời hạn 12 tháng.
Trên thị trường, cổ phiếu ILS đạt mức đỉnh 32.000 đồng/cp hồi cuối tháng 3. Từ đầu tháng 5, cổ phiếu này lao dốc.
Kết phiên giao dịch ngày 7/7, cổ phiếu ILS ghi nhận mức giá 15.400 đồng/cp, giảm 51% so với mức đỉnh hồi cuối tháng 3.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận