Thị trường yếu- Nhóm phòng thủ lại được gọi tên
Sau những cú giảm sâu, thị trường chứng khoán vẫn thường có những cú hồi phục ngắn để chờ những tín hiệu, thông tin mới. Tuy vậy, trong bối cảnh thị trường bao trùm bởi nhiều yếu tố kém khả quan, nhất là khi lạm phát và việc tăng lãi suất điều hành thì nhóm cổ phiếu phòng thủ dần được giới đầu tư dành sự quan tâm đặc biệt
Theo chuyên gia, cổ phiếu phòng thủ là cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dù bất kỳ chu kỳ kinh tế lên hay xuống thì vẫn chịu ít biến động nhất. Một số đặc điểm nhận diện các cổ phiếu này đó là sử dụng tỷ lệ đòn bẩy thấp do có dòng tiền dồi dào ổn định, có lịch sử chi trả cổ tức ổn định. Cùng với đó, beta (hệ số tương quan giữa biến động giá và chỉ số chung) của các cổ phiếu này thấp hơn so với trung bình toàn thị trường. Đơn cử như nhóm ngành điện và nước.
Tính phòng thủ về mặt kết quả kinh doanh thể hiện rõ nhất ở nhóm ngành cấp nước. Doanh thu và lợi nhuận của Biwase (BWE) đều tăng trưởng trong 5 năm gần đây (2017-2021). Đối với Nước Thủ Dầu Một (TDM), lợi nhuận sụt giảm vào năm 2020 do giảm nguồn thu tài chính, song doanh nghiệp đã nhanh chóng quay lại đà tăng trưởng sau đó vào 2021.
Cổ phiếu phòng thủ có tiềm năng ra sao?
2 nhóm ngành điện và nước cung cấp những sản phẩm thiết yếu cho người dân, có thể tăng trưởng trong nhiều năm tiếp theo. Khi nắm giữ cổ phiếu các doanh nghiệp này, nhà đầu tư sẽ nhận thấy những biến động ngắn hạn của thị trường sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang gặp nhiều biến động kể từ đầu năm thì một số cổ phiếu thuộc 2 nhóm ngành này lại đang "lội ngược dòng" với thị giá tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm.
Theo bài viết ngành điện mới đây của tôi, nhu cầu điện năng trên toàn quốc ghi nhận mức tăng trưởng 14,7% so với cùng kỳ trong tháng 8 và 6,5% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2022, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,8% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Tăng trưởng nhu cầu điện năng trong tháng 8 phản ánh mức cơ sở so sánh thấp trong nửa cuối năm 2021 và đồng thời cũng dẫn dắt bởi mức tăng trưởng 15,6% so với cùng kỳ của chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8 (tăng 9,4% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm)
Hiện tượng La Nina kéo dài khoảng 30 tháng nếu tính tới cuối năm 2022 và tương đương với thống kê trong giai đoạn 1950-2019. Trong trường hợp điều kiện thủy văn kém thuận lợi và giá khí điều chỉnh vào năm 2023, các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện khí có thể được huy động cao hơn.
Mặt khác, nhu cầu nước công nghiệp của Bình Dương sẽ cải thiện nhờ mảng sản xuất công nghiệp phát triển nhanh chóng khi các khu công nghiệp (KCN) mới sắp được đưa vào hoạt động giai đoạn 2022-2025. Hai KCN mới là KCN VSIP III tại huyện Tân Uyên (1.000 ha) và KCN Cây Trường (1.000 ha) tại huyện Bàu Bàng. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương đang trên đà phục hồi khi ảnh hưởng của Covid-19 giảm dần, dẫn đến tiêu thụ nước có khả năng phục hồi.
Trong dài hạn, nhu cầu nước dân dụng tại Bình Dương sẽ tăng nhờ tăng dân số và tái định cư - đặc biệt tại các khu vực ngoại thành TP. HCM như Dĩ An. Gần đây, dự án Vành đai 3 dài 70 km kết nối TP HCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương đã nhận được phê duyệt đầu tư từ Quốc hội. Dự án này dự kiến khởi công từ giữa năm 2023 và sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2026. Do vậy, các dự án hạ tầng như Vành đai 3 sẽ giúp giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông, tiết kiệm thời gian di chuyển liên tỉnh và hỗ trợ dân nhập cư vào tỉnh Bình Dương.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận