Thị trường vốn cổ phần tư nhân châu Á sẽ đối mặt với nhiều bất ổn hơn
Theo Bain & Company, thị trường vốn cổ phần tư nhân của châu Á - Thái Bình Dương đã giảm mạnh vào năm ngoái, do khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư giảm khi đối mặt với lạm phát và căng thẳng địa chính trị.
Giới đầu tư điều chỉnh chiến lược
Tổng giá trị các thoả thuận trên thị trường vốn cổ phần tư nhân của khu vực này giảm 44% xuống còn 198 tỷ USD vào năm 2022, Bain cho biết trong Báo cáo Vốn cổ phần tư nhân châu Á – Thái Bình Dương năm 2023 (APPER 2023). Con số này thấp hơn nhiều so với mức 354 tỷ USD vào năm 2021, và các nhà phân tích cho biết thêm rằng gần 70% nhà quản lý quỹ được khảo sát dự đoán xu hướng tiêu cực sẽ tiếp tục vào năm 2024.
Bain cho biết những bất ổn dai dẳng trong nền kinh tế vĩ mô cùng với chi phí gia tăng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ngày càng tồi tệ đã kéo giảm tâm lý nhà đầu tư.
“Khi giới đầu tư cảm nhận thế giới đã bược vào một kỷ nguyên tăng trưởng chậm hơn, lạm phát gia tăng và sự không chắc chắn ngày càng lớn, họ đã dành thời gian để điều chỉnh lại chiến lược của họ. Họ nhận ra rằng những gì hoạt động tốt trong quá khứ có thể không còn là cách tiếp cận phù hợp cho năm 2023 và xa hơn nữa”, nhóm tác giả của APPER 2023 nhận định.
Báo cáo viết: “Nếu các điều kiện, bao gồm sự không chắc chắn về kinh tế vĩ mô, hiệu quả hoạt động kém của doanh nghiệp và sự sụt giảm trong hoạt động giao dịch, vẫn tiếp diễn trong năm nay, định giá có thể tiếp tục giảm vì các nhà quản lý quỹ sẽ áp dụng chiến lược theo dõi và chờ đợi”.
Thoả thuận trong lĩnh vực công nghệ, internet giảm
Bain cho biết mặc dù internet và công nghệ vẫn là lĩnh vực được đầu tư lớn nhất ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng dòng vốn cổ phần tư nhân đổ vào cũng sụt giảm so với năm trước, ở mức thấp nhất kể từ năm 2017.
“Trong hơn một thập kỷ qua, lĩnh vực internet và công nghệ chiếm thị phần lớn nhất trong tổng lượng vốn cổ phần tư nhân lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, con số này giảm vào năm 2022 xuống còn 33% từ mức 41% của năm trước đó. Các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á đều chứng kiến sự sụt giảm mạnh, trong đó Trung Quốc giảm 62% so với cùng kỳ năm ngoái”, báo cáo của Bain cho hay.
Trong lĩnh vực công nghệ, mảng dịch vụ đám mây có giá trị giao dịch vốn cổ phần tư nhân lớn nhất, trong khi các doanh nghiệp công nghệ tiêu dùng như thương mại điện tử và dịch vụ trực tuyến lại chứng kiến mức giảm khoảng 70% so với một năm trước.
Dòng vốn đổ vào ESG
Mặc dù các điều kiện kinh tế vĩ mô kéo giảm tâm lý của các nhà đầu tư đối với giao dịch cổ phần tư nhân trên toàn khu vực, song Bain cho biết số lượng các giao dịch liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) lại gia tăng.
Bain cho biết: “Trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, các khoản đầu tư vào điện nước và năng lượng tái tạo chiếm 60% giá trị thỏa thuận”.
Các đối tác được Bain khảo sát cho hay họ sẽ tiếp tục tập trung vào đầu tư liên quan đến ESG trong những năm tiếp theo. “Một nửa số đối tác mà chúng tôi khảo sát có kế hoạch tăng đáng kể nỗ lực và tập trung vào ESG trong vòng 3 - 5 năm tới, tăng từ mức 30% của ba năm trước”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận