Thị trường tích cực, nhiều doanh nghiệp bất ngờ lỗ đầu tư chứng khoán
Dù VN-Index diễn biến tích cực trong quý III/2023, song nhiều doanh nghiệp “tay ngang” gây bất ngờ với danh mục chứng khoán thua lỗ.
Quý III năm 2023 chứng kiến diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán khi tăng đến hơn 3%. Động lực tăng của thị trường chủ yếu đến từ xu hướng hạ nhiệt của mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế nhờ các chính sách hỗ trợ của NHNN. Tính toán cho thấy VN-Index tăng hơn 3% so với đầu quý.
Bất chấp đà tích cực của thị trường chung, song nhiều doanh nghiệp “tay ngang” đầu tư chứng khoán gây bất ngờ với danh mục thua lỗ.
Cái tên đầu tiên phải nhắc đến là CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH). BCTC quý III/2023 của TDH ghi nhận doanh thu thuần vỏn vẹn 12,5 tỷ đồng, giảm 34% so cùng kỳ. Tuy vậy, nhờ việc cắt giảm mạnh các loại chi phí cộng với có lãi hơn 2,6 tỷ từ hoạt động khác giúp TDH có lãi 7,8 tỷ đồng trong quý III/2023, gấp 3,2 lần cùng kỳ 2022.
Tại thời điểm 30/9/2023, doanh nghiệp này đang “kẹp” nặng với danh mục chứng khoán kinh doanh. Khoản đầu tư này có giá trị hơn 31 tỷ đồng, nhưng đang phải trích lập dự phòng giảm giá 26,9 tỷ đồng, tương đương mức tạm lỗ đến hơn 87%.
Danh mục của TDH chủ yếu gồm 2 cổ phiếu PPI của CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ Tầng Thái Bình Dương và SC5 của CTCP Xây dựng số 5 trong khi số lượng cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín thì nắm giữ không đáng kể. TDH đầu tư vào PPI từ rất lâu và có thời điểm còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp này. TDH từng nhiều lần muốn thoái hết vốn khỏi PPI nhưng đều không thành.
Một doanh nghiệp khác là CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) cũng “kẹp nặng” với danh mục chứng khoán kinh doanh. Theo đó, tại thời điểm cuối quý III/2023, khoản mục chứng khoán của TLH có giá gốc hơn 88 tỷ đồng, giảm gần 16,4% so với số đầu năm. Nhiều khả năng đến từ việc TLH thoái hết cổ phiếu SHB trong quý III. Trước đó, quý II ghi nhận TLH nắm gần 23,5 tỷ đồng giá gốc cổ phiếu SHB (trích lập dự phòng hơn 9 tỷ đồng).
Trong kỳ, TLH đã rót hơn 12 tỷ đồng mua mới cổ phiếu NVL. Dù vậy, tại thời điểm 30/9, giá trị hợp lý của khoản đầu tư này chỉ còn 10,3 tỷ đồng tương ứng mức tạm lỗ khoảng 14%. Ngoài NVL, TLH còn sở hữu cổ phiếu IJC với giá gốc gần 5,6 tỷ đồng; VIX với giá gốc 4,6 tỷ đồng và các cổ phiếu khác với tổng giá gốc hơn 66 tỷ đồng. Tất cả các khoản đầu tư trong danh mục đều tạm lỗ vào cuối quý III khiến doanh nghiệp này phải trích lập dự phòng giảm giá tổng cộng gần 13,5 tỷ đồng.
CTCP Sách và Thiết bị trường học Long An (mã LBE) là cái tên tiếp theo khi sở hữu 5,7 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh tính đến thời điểm cuối quý III/2023, LBE cũng phải trích lập dự phòng giảm giá khoảng 805 triệu đồng cho toàn bộ danh mục, tương đương tạm lỗ khoảng 14%.
Danh mục đầu tư của LBE gồm VDL của CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (giá gốc 3,6 tỷ đồng), QTC của CTCP Công trình GTVT Quảng Nam (giá gốc 1,66 tỷ đồng); các cổ phiếu còn lại nắm giữ với tổng giá trị không đáng kể là CSM của CTCP CN Cao su Miền Nam (1,9 triệu đồng), CTCP Sách Giáo dục tại TP.HCM (48 triệu đồng)….
Trong khi đó, CTCP Licogi 14 (mã L14) là đơn vị hiếm hoi báo lãi quý III/2023 từ đầu tư chứng khoán. Theo đó, doanh thu thuần L14 đạt 23 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Do chi phí tăng mạnh dẫn đến lãi gộp L14 còn 5 tỷ đồng, giảm 63%. Điểm sáng trong hoạt động của L14 là lãi đầu tư chứng khoán tăng mạnh so với cùng kỳ đạt hơn 9,4 tỷ đồng. Nhờ dó, lãi sau thuế quý III/2023 của L14 đạt hơn 7 tỷ đồng, chỉ giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản L14 tại ngày 30/9/2023 đạt 584 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với số đầu kỳ. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của L14 có giá trị 176 tỷ đồng, gồm chứng khoán kinh doanh (56,2 tỷ đồng), đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (122,4 tỷ đồng).
L14 không thuyết minh cụ thể về những cổ phiếu nắm giữ, công ty cho biết trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh tại thời điểm cuối quý III/2023 là hơn 2 tỷ đồng.
Trước đó, trong quý II/2023, L14 cho biết đã mua mới 1 triệu cổ phiếu NVL của Novaland; 500.000 cổ phiếu DIG của DIC Corp; 500.000 cổ phiếu PDR của BĐS Phát Đạt, 425.000 cổ phiếu ITA... Các giao dịch mua cổ phiếu của L14 đều được thực hiện trong quý II.
CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã NDN) là cái tên “tay ngang” tiếp theo ghi nhận lãi từ đầu tư chứng khoán. Theo đó, doanh thu thuần NDN quý III/2023 đạt 56,18 tỷ đồng, tăng gấp 50 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ đi giá vốn, lãi gộp còn 30,1 tỷ đồng, tương đương gấp gần 37 lần.
Một điểm sáng khác trong kỳ là doanh thu tài chính NDN quý III/2023 tăng gấp đôi lên 27,3 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm 50% xuống còn 20,8 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí và thuế, NDN lãi ròng 27,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 28,8 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý III/2023, tổng tài sản của NDN giảm 7,6% so với số đầu năm xuống mức 1.383 tỷ đồng. Trong đó, khoản tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn cuối kỳ đạt 808 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng tài sản.
NDN vào cuối quý III/2023 đầu tư các mã STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (giá gốc 184,6 tỷ đồng), HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (74 tỷ đồng), DGC của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (35,9 tỷ đồng)….Khoản mục chứng khoán kinh doanh tại thời điểm 30/9 có giá gốc gần 466,9 tỷ đồng, tăng gần 51% so với số đầu năm, và chiếm hơn 1/3 tổng tài sản.
Trong đó, khoản đầu tư có lãi lớn nhất của NDN là cổ phiếu HPG với lãi tại ngày 30/9 đạt 35 tỷ đồng, tương đương gần 50% so với giá gốc. Đa phần danh mục của NDN đều có lãi tuy nhiên vẫn có một số cổ phiếu đang tạm lỗ với tổng giá trị dự phòng hơn 37 tỷ đồng vào cuối quý III.
Việc nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường chứng khoán chứng tỏ thị trường đang ngày càng trở nên minh bạch và lành mạnh. Mặt khác, dòng tiền từ chính những doanh nghiệp và nhà đầu tư tổ chức được kỳ vọng sẽ kích thích thanh khoản chỉ số chứng khoán, qua đó càng làm thị trường trở nên sôi động và hấp dẫn.
Tuy vậy, cần nhìn nhận rằng việc đầu tư chứng khoán của các doanh nghiệp cần những chiến lược và tính toán cụ thể, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều rủi ro với nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài như nền kinh tế toàn cầu đối mặt rủi ro suy thoái, FED vẫn duy trì mức lãi suất cao nhất qua 22 năm….
Việc thua lỗ sẽ khiến các doanh nghiệp phải phát sinh thêm chi phí tài chính, trích lập dự phòng theo quy định và thậm chí ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chính của công ty.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận