Thị trường chứng khoán năm 2024: Kỳ vọng tích cực nhờ sự hồi phục kinh tế
Năm 2024, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ trở nên tích cực hơn, qua đó thị trường chứng khoán cũng có xu hướng tăng trưởng so với năm 2023.
Nhiều chỉ số vẫn có sự tăng trưởng
Trong năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều biến động. Sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, lạm phát kéo dài, chính sách thắt chặt tiền tệ và căng thẳng địa chính trị phức tạp khiến cho thị trường chứng khoán quốc tế biến động phức tạp.
Trước bối cảnh trên, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu tác động phần nào. Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề còn tồn tại, thị trường chứng khoán trong nước đã có sự tăng trưởng khá tích cực.
Nhìn lại thị trường chứng khoán năm 2023 và nhận định thị trường năm tới |
Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức tổng kết công tác năm 2023 và triển khai công tác năm 2024.
Theo UBCKNN, nửa đầu năm 2023 thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch trầm lắng, thanh khoản sụt giảm mạnh so với năm ngoái. Bước sang quý III/2023, chỉ số VN-Index đã có sự chuyển biến tích cực, đóng cửa ở mức 1.245,44 điểm (ngày 12/9/2023), tăng 24% so với cuối năm 2022. Đến cuối tháng 9/2023, thị trường chịu áp lực điều chỉnh giảm nhưng đã dần ổn định.
Cũng trong quý III, thanh khoản thị trường đạt 24.641 tỷ đồng/phiên, nhưng đến tháng 10, thanh khoản lại sụt giảm trở khi thị trường chung có nhịp điều chỉnh mạnh. Giá trị giao dịch bình quân đạt 17.492 tỷ đồng/phiên, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quy mô vốn hóa và quy mô niêm yết của thị trường cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng so với cuối năm 2022. Tính đến ngày 30/11/2023, mức vốn hóa thị trường đạt 5.754 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cuối năm 2022.
Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường tính đến cuối tháng 11/2023 đạt 2.092 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2022 với 742 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch Chứng khoán và 859 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Đáng chú ý, trong năm 2023, thị trường chứng khoán tiếp tục thu hút sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư. Trong 11 tháng của năm 2023, tổng số tài khoản chứng khoán vẫn tăng 355.672 tài khoản so với cuối năm 2022, đạt hơn 7,25 triệu tài khoản, tương đương 7,3% dân số. Đây là con số vượt mức 5% dân số theo mục tiêu được Chính phủ đưa ra trong Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 do UBCKNN tổ chức (Ảnh: UBCKNN) |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá cao những kết quả mà UBCKNN đã nỗ lực đạt được trong năm 2023. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện kế hoạch triển khai dự án công nghệ thông tin quản lý và điều hành hệ thống giao dịch KRX.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm mà UBCKNN cần trú trọng thực hiện trong năm 2024. Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, UBCKNN cần đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thị trường; giám sát chặt chẽ hoạt động công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và xử lý vi phạm nghiêm mọi hành vi vi phạm để giữ thị trường minh bạch, công bằng.
Ngoài ra, vấn đề nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán cũng cần được chú trọng.
Đặc biệt, UBCKNN cần tập trung đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, giúp thị trường được vận hành trơn tru hơn. Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tích cực đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để phục vụ cho công tác quản lý hoạt động thị trường.
Nhận định thị trường chứng khoán năm 2024
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Tạ Thanh Thao, Giám đốc Phòng giao dịch Lê Văn Lương (Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI) đã đưa ra những góc nhìn về thị trường chứng khoán năm 2024.
Theo ông Thao, triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 đặt ra một bức tranh phức tạp với nhiều yếu tố tác động đến Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại, với dự báo tăng trưởng (IMF) chỉ 2,8% vào năm 2024, giảm nhẹ so với mức 3% của năm 2023. Điều này được cho là do các ngân hàng trung ương nâng lãi suất trong năm 2023 làm tăng chi phí vốn của nền kinh tế nhằm kiểm soát lạm phát. Tình trạng của các nền kinh tế cũng có sự phân hóa rõ nét, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ giúp cải thiện triển vọng kinh tế toàn cầu, trong khi châu Âu và Trung Quốc lại cho thấy dấu hiệu suy yếu.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn dự kiến sẽ ổn định hơn trong năm 2024. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo tăng trưởng GDP chậm lại, lạm phát giảm, do đó thị trường kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong vào năm tới và đây là câu chuyện chính được giới đầu tư quan tâm.
Hình thái phục hồi kinh tế dự kiến trong năm 2024 được mô tả là một quá trình từ từ và theo hình chữ U. Trong quá trình này, có thể sẽ xuất hiện những điểm ngoặt quan trọng như thay đổi trong chính sách lãi suất và sự tăng trưởng của lợi nhuận doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, ông Thao cho rằng triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2024 là tích cực. HSBC dự báo rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt 5% trong năm 2023 và tăng lên 6,3% vào năm 2024. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ sẽ phải thúc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và duy trì chính sách cắt giảm thuế đang có để kích cầu tiêu dùng.
Ông Tạ Thanh Thao, Giám đốc Phòng giao dịch Lê Văn Lương (Công ty Chứng khoán SSI) |
Trong năm 2024, lạm phát khả năng cao được kiểm soát tốt. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ không có thêm nhiều chính sách điều hành mới, đặc biệt liên quan đến lãi suất trong năm 2024.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn như vấn đề về huy động, mất khả năng thanh toán trái phiếu. Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư còn nhiều e ngại, mặt bằng lãi suất của Fed vẫn duy trì cao tạo áp lực lên tỷ giá. Vấn đề nợ xấu có thể làm “tổn thương” hệ thống ngân hàng trong khi tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng chậm.
Bên cạnh đó, nền kinh tế có thể phải đối diện với những rủi ro từ các yếu tố chính trị thế giới. 2024 là năm thế giới có nhiều sự kiện chính trị quan trọng như bầu cử tổng thống Mỹ, các cuộc giao tranh vũ trang vẫn diễn ra nhiều nơi. Đây là những biến số khó lường và cần được theo dõi sát để kịp thời đánh giá những tác động và đưa ra hành động phù hợp.
Đối với triển vọng thị trường chứng khoán, theo ông Thao, nhiều khả năng thị trường sẽ có một năm cân bằng. Điều này có thể đến từ các nguyên nhân: (1) chính sách điều hành của NHNN được dự báo ổn định, không có những bước ngoặt lớn; (2) dòng tiền trên thị trường vẫn còn khá yếu, chỉ đủ để duy trì và (3) triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết chưa sáng. Đặc biệt, 2 nhóm chiếm tỷ trọng vốn hóa cao là ngân hàng và bất động sản sẽ cần nhiều thời gian để xử lý các vấn đề tồn tại. Các nhóm ngành lớn khác như chứng khoán, đầu tư công… đang được giao dịch ở vùng định giá cao, tiềm năng tăng giá không còn hấp dẫn.
Ở mặt tích cực, vẫn có những nhóm ngành duy trì tăng trưởng tốt như công nghệ thông tin hoặc các ngành có tính chu kỳ đang bắt đầu đi qua vùng đáy lợi nhuận như ngành thép có thể được xem xét để chọn lựa.
Qua những luận điểm trên, vị chuyên gia này nhận định thị trường chứng khoán sẽ cần một giai đoạn tích lũy tương đối dài. Vùng giá đi ngang của thị trường có thể trong phạm vi 1.050-1.250 điểm.
Thế Hoàng
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận