Thí điểm cơ chế với nhà ở thương mại: 'Có tạo ra một cơn sóng sốt đất nữa không?'
“Nếu cho các tổ chức kinh doanh bất động sản thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất để chuyển mục đích sử dụng đất làm nhà ở thương mại, liệu có tạo ra một cơn sóng sốt đất nữa không?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề.
Sáng 13/11, ngay sau khi Chính phủ trình, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ, cho ý kiến dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Tại phiên họp, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhắc lại quan điểm từng phản đối chuyện cho phép doanh nghiệp tự mua đất nông nghiệp rồi chuyển đổi mục đích làm nhà ở thương mại.
“Trước đây bảng giá đất rất thấp, không sát với giá thị trường. Nếu như cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sẽ xảy ra trường hợp doanh nghiệp đi mua đất nông nghiệp giá rẻ, sau đó chuyển đổi. Như vậy doanh nghiệp được một khoản lợi rất lớn. Tôi rất phản đối chuyện này vì gây bất bình đẳng giữa doanh nghiệp và người dân”, ông Cường nêu lý do.
Mặc dù vậy, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng quy định của Luật Đất đai 2024 đã khắc phục được việc này khi bảng giá đất sẽ phải bám sát giá thị trường. Như vậy khi chuyển mục đích sẽ áp dụng ngang thị trường, không còn chuyện hưởng lợi nữa.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy. Ảnh: QH.
Về việc thí điểm mở rộng điều kiện, đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - nêu thực tế làn sóng sốt đất ở, giá tăng phi mã. “Cho các tổ chức kinh doanh bất động sản thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất để chuyển mục đích sử dụng đất làm nhà ở thương mại, liệu có tạo nên một cơn sóng sốt đất nữa không?”, địa biểu Thủy đặt vấn đề.
Theo nữ đại biểu, nếu cá nhân, doanh nghiệp chỉ chăm chăm mua đất đợi điều chỉnh quy hoạch, đất tăng giá, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai để sản xuất, kinh doanh.
“Như vậy sẽ tạo ra mặt bằng giá đất mới cho tất cả các loại đất, chứ không riêng gì đất ở. Đây là một hệ luỵ cần phải đánh giá kỹ lưỡng”, bà Thủy cho hay và đề nghị, phạm vi thí điểm nên thực hiện ở 1 số địa phương để đánh giá tác động xem ảnh hưởng đến thị trường bất động sản thế nào. Các quy định cụ thể của dự thảo nghị quyết cũng cần phải cân nhắc để có tính minh bạch, rõ ràng, thuận tiện cho việc thực hiện.
Bổ sung hình thức tiếp cận đất đai
Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nói, bản chất việc thực hiện thí điểm là để “bổ sung hình thức tiếp cận đất đai trong làm nhà ở thương mại”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy. Ảnh: Như Ý.
Trước ý kiến băn khoăn chồng lấn với Luật Đất đai, ông Duy lý giải, dự thảo nghị quyết, Chính phủ đã thiết kế thêm một khoản, loại trừ các dự án mà đã được Luật Đất đai 2024 cho phép nhận chuyển quyền sử dụng đất. Do vậy, trường hợp nào đã được điều chỉnh bởi Luật Đất đai 2024 thì loại trừ phạm vi điều chỉnh bởi nghị quyết này.
Liên quan đến tiêu chí thực hiện thí điểm, ông Duy cho biết, dự thảo nghị quyết quy định “không quá 30% diện tích đất ở tăng thêm” trong kỳ quy hoạch.
Ông Duy viện dẫn, Nghị quyết 18 của Trung ương có quy định, thực hiện giao đất, cho thuê đất, chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Như vậy, nghị quyết của trung ương quy định chủ yếu lựa chọn 2 hình thức: Đấu giá và đấu thầu.
Hình thức thứ 3 là nhận chuyển quyền hoặc hình thức thứ 4 là chuyển mục đích sử dụng đất với đất đang sử dụng. Tuy nhiên, phương án này, nếu thực hiện “cũng không phải là chủ yếu”, cho nên Chính phủ đề xuất tối đa 30%. Với 70% còn lại sẽ thực hiện theo phương thức đấu thầu, hoặc đấu giá theo đúng tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận