Thay tên đổi họ, VCP Holdings 'chốt' xong thương vụ M&A nghìn tỷ
Việc hoàn tất thương vụ M&A nghìn tỷ chỉ trong vòng một tháng cho thấy quyết tâm cũng như tham vọng ở lĩnh vực thủy điện của doanh nhân Vũ Ngọc Tú - người đang là Chủ tịch HĐQT VCP.
CTCP Xây dựng và Năng lượng VCP (mã: VCP), tên cũ là CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển năng lượng Vinaconex vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2020 với doanh thu thuần đạt 67 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt -16 tỷ đồng trong khi quý II/2019 ở mức 73,9 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế là 5,5 tỷ đồng, giảm gần 65 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VCP đạt 119,4 tỷ đồng doanh thu thuần và 12,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 59% và 91% so với nửa đầu năm trước. Qua đó mới chỉ hoàn thành 5% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra trong năm.
Tại ngày 30/6/2020, tổng tài sản của VCP đạt 3.002 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định 1.788 tỷ đồng. Ngoài ra khoản tiền và tương đương tiền của VCP cũng tăng từ 0 lên 20 tỷ đồng. Bên kia bảng cân đối kế toán, công ty này có 1.969 tỷ đồng nợ phải trả, tăng gấp 3 lần so với hồi đầu năm và chiếm đến 65% tổng nguồn vốn.
Về cơ cấu cổ đông, hiện vốn nhà nước thông qua Tổng công ty Sông Đà vẫn còn hơn 7% tại VCP, tương đương khoảng 4 triệu cổ phần, với giá trị thị trường gần 200 tỷ đồng. Cuối tháng 3/2020, Tổng công ty Sông Đà đã đấu giá toàn bộ phần vốn trong VCP, tuy nhiên không thành công do không có nhà đầu tư đăng ký mua. Ngoài Tổng công ty Sông Đà, VCP còn có hai cổ đông lớn khác là Quỹ đầu tư cơ hội PVI (40,88%) và ông Nguyễn Anh Tuấn (16,28%).
Đáng chú ý, báo cáo tài chính lần này của VCP xuất hiện thêm 4 công ty con là CTCP Thuỷ điện Nậm La, Công ty TNHH Thuỷ điện Đak Robaye, Công ty TNHH Thuỷ điện Đăk Lô 4 và Công ty TNHH MTV Nhà máy Thuỷ điện Thác Ba. Trong đó, tỷ lệ sở hữu của VCP tại Nậm La là 82,71%, 3 công ty còn lại đều do VCP nắm quyền chi phối 100%.
Động thái M&A trên của VCP diễn ra khá nhanh chóng, bởi kế hoạch về thương vụ này mới được ĐHĐCĐ thông qua vào giữa tháng 5/2020 với nguồn tiền để thực hiện thương vụ được lấy từ việc phát hành 900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn 48 tháng của VCP.
Như Nhadautu.vn trước đó đã từng đề cập, cả 4 doanh nghiệp mà VCP vừa M&A đều thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp bởi VSD Holdings của doanh nhân Vũ Ngọc Tú - người đang là Chủ tịch HĐQT VCP.
Ở một diễn biến đáng chú ý khác, tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào giữa tháng 7, bên cạnh việc đổi tên sau khi nhận được công văn của Tổng CTCP Vinaconex yêu cầu chấm dứt sử dụng thương hiệu Vinaconex, VCP cũng xác định lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường