Thái Lan huy động vốn qua IPO gấp 50 lần Việt Nam
Năm 2022, Thái Lan huy động được nhiều tiền qua IPO nhất Đông Nam Á, gấp 50,7 lần thị trường Việt Nam.
Báo cáo Thị trường IPO Đông Nam Á năm 2022 do công ty kiểm toán và tư vấn dịch vụ Deloitte vừa phát hành cho biết Thái Lan và Indonesia dẫn đầu Đông Nam Á về huy động vốn, chiếm 78% tổng vốn huy động được của cả khu vực.
Trong đó, riêng Thái Lan huy động 3,6 tỷ USD với phần lớn diễn ra trong nửa cuối năm ngoái, khi các biện pháp hạn chế chống dịch được nới lỏng. Như vậy, thị trường này đã trở lại mức trước đại dịch, số vốn huy động được trong năm qua gần bằng với giai đoạn 2017 - 2019.
"Chúng tôi tiếp tục chứng kiến các thương vụ IPO từ đa dạng nhóm ngành khác nhau trên Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET), bao gồm các sản phẩm tiêu dùng nhanh, dịch vụ tài chính và xây dựng", bà Wilasinee Krishnamra, Lãnh đạo phụ trách Tư vấn Sự kiện đột phá, Deloitte Thái Lan cho biết. Tại thị trường này, hiện có 29 công ty lên kế hoạch IPO năm 2023.
Xếp sau Thái Lan, quy mô huy động vốn qua IPO năm 2022 tại Đông Nam Á các nước lần lượt là Indonesia (2,4 tỷ USD), Malaysia (801 triệu USD), Singapore (428 triệu USD), và Philippines (352 triệu USD).
Việt Nam đứng vị trí khiêm tốn nhất, với 8 thương vụ IPO năm qua, gọi được 71 triệu USD. Trong đó, có 6 thương vụ diễn ra vào nửa đầu năm ngoái. Các công ty và nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trong nửa cuối năm do những bất ổn trên thị trường vốn toàn cầu và trong nước.
Ông Bùi Văn Trịnh, Lãnh đạo phụ trách Tư vấn Sự kiện đột phá, Deloitte Việt Nam cho biết trọng tâm thị trường IPO Việt Nam đã chuyển từ bất động sản vào năm 2021 sang sản phẩm công nghiệp và hàng tiêu dùng năm qua.
"Với những bất ổn hiện tại, các nhà đầu tư cũng như các công ty đang khá thận trọng trong việc xác định thời điểm gia nhập thị trường", ông Trịnh nhận xét. Theo ông, ngành hàng tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, với những thương vụ IPO sắp tới.
Deloitte cho rằng, các cơ quan quản lý của Việt Nam đã thi hành nhiều chủ trương tích cực nhằm nâng cao tính minh bạch của thông tin tài chính, ví dụ như áp dụng các quy định khuyến khích tính minh bạch, hiệu quả và uy tín trong quy trình chào bán, đồng thời đề xuất thúc đẩy việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS).
"Chúng tôi hy vọng điều này sẽ củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời nâng cao sức hấp dẫn, sự sôi động của thị trường vốn Việt Nam", ông Trịnh nói thêm.
Trên toàn khu vực Đông Nam Á, các công ty đã huy động được 7,6 tỷ USD từ 163 đợt IPO trong năm 2022, giảm 43% so với năm 2021 (huy động 13,3 tỷ USD từ 152 đợt IPO). Số lượng công ty IPO tăng nhưng tổng số vốn gọi được lại giảm, cho thấy các đợt IPO nhỏ diễn ra nhiều hơn.
Hiện tượng này là do các công ty nhỏ vẫn tiếp tục kế hoạch IPO của họ bất chấp những bất ổn kinh tế, trong khi những công ty lớn đang chờ đợi và trì hoãn chào bán đến khi điều kiện thị trường tốt hơn.
"Đông Nam Á vẫn còn tiềm năng tăng trưởng cao, khi khu vực này vươn lên khỏi khủng hoảng Covid-19. Chúng tôi kỳ vọng hoạt động IPO sẽ trải qua các chu kỳ lên và xuống, vì thị trường đang điều chỉnh lại từ tư duy thời đại dịch sang trạng thái bình thường", bà Tay Hwee Ling, Lãnh đạo phụ trách dịch vụ IPO thị trường Đông Nam Á và Singapore tại Deloitte, dự báo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận