Tăng trưởng của thị trường chứng khoán 2 năm qua không bình thường
GS.TS Hoàng Văn Cường: Tăng trưởng của thị trường chứng khoán 2 năm qua không bình thường
Sáng 25/5, Báo Người Lao động đã tổ chức Tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán bền vững" dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại toạ đàm, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho rằng, thị trường chứng khoán (TTCK) trong thời gian vừa qua thật sự là một giai đoạn tăng trưởng nóng. Vốn hóa thị trường đã tăng lên mức tương đương với nhiều nước trong khu vực, đạt gần 93% GDP Việt Nam.
Quy mô của TTCK cũng tăng rất nhanh, từ mức khoảng 4,3 triệu tỷ đồng vào năm 2019 lên tới 7,7 triệu tỷ đồng năm 2021. Số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản tham gia vào thị trường cũng liên tục lập kỷ lục.
Năm 2019 có khoảng 2,3 triệu tài khoản nhà đầu tư tham gia thị trường thì đến năm 2021, con số này đã lên đến 4,3 triệu tài khoản. Mức tăng trong 2 năm (khoảng 2 triệu tài khoản) bằng số lượng của cả 20 năm qua. Và, chỉ số VN-Index đã tăng khá cao. Năm 2019, nền kinh tế thịnh vượng, chỉ số VN-Index khoảng 1.000 điểm. Đến tháng 3/2022, khi cả nước vừa trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, chỉ số VN-Index đã lên hơn 1.500 điểm.
“Các thông số trên nói lên giai đoạn tăng trưởng của 2 năm qua là không bình thường, là "tăng trưởng nóng". Và, đương nhiên sẽ tới giai đoạn hết nóng, quay trở lại trạng thái bình thường, tạo ra sự trồi sụt gần đây” – GS.TS Cường nhận xét.
Theo vị chuyên gia này, khoảng 2 triệu nhà đầu tư tham gia TTCK hầu hết là những nhà đầu tư cá nhân mới bước vào thị trường, trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn.
Nhiều người chưa đủ thông tin, không rành về doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực gì; đầu tư theo cảm xúc, cảm nhận và theo đám đông, chứ không phải dựa trên cơ sở có phân tích, có đánh giá. Và, khi thị trường nóng, đang tăng trưởng, nhà đầu tư đổ xô vào mua và rút ra khi thị trường rung lắc, suy giảm, càng tạo ra sự chao đảo, phản ánh tính chất thiếu chuyên nghiệp.
GS.TS Hoàng Văn Cường cũng đánh giá, công tác quản lý nhà nước vừa qua và hệ thống thể chế, quy định pháp luật liên quan đang bộc lộ những điểm yếu, dẫn tới việc lũng đoạn thị trường của một số nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư dẫn dắt. Hệ quả trực tiếp là những nhà đầu tư cá nhân, những người mới tham gia thị trường ở giai đoạn nóng, mua với giá cao, giờ thị trường sụt giảm với giá thấp, sẽ thua lỗ.
“Điều chúng ta mong muốn là TTCK huy động vốn nhàn rỗi của cá nhân, trở thành vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp. Nhà đầu tư cá nhân chuyển vốn ngắn hạn thành dài hạn. Trong bối cảnh thị trường sụt giảm, các doanh nghiệp có kỳ vọng huy động thêm vốn sẽ bị ảnh hưởng” – GS.TS Cường phân tích.
Theo vị chuyên gia đến từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, giai đoạn hiện nay nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp cần huy động vốn để phục hồi sản xuất. Do đó, TTCK phải là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, trở thành kênh huy động vốn của các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tính đến tháng 3/2022, quy mô giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt qua Singapore, đứng thứ 2 ASEAN sau Thái Lan. Giá trị giao dịch bình quân đạt 30.845 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, sau đợt giảm mạnh trong khoảng 2 tháng qua, vốn hóa thị trường đã "bốc hơi" khoảng 50 tỷ USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận