Tăng tốc bán hàng, Hòa Phát đối diện sức ép thu nợ
Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG, sàn HoSE) tiếp tục gây ấn tượng bởi sản lượng bán hàng tăng mạnh, nhưng tín hiệu lạc quan đó cũng đi kèm sức ép trong hoạt động thu nợ.
Tăng tốc bán hàng
Tháng 11/2020, Hòa Phát cho biết, Công ty đạt sản lượng thép thô 552.000 tấn, tăng 68% so với cùng kỳ; tổng lượng phôi thép và thép xây dựng thành phẩm bán ra đạt 514.000 tấn. Lũy kế 11 tháng, Công ty đạt sản lượng gần 5,2 triệu tấn thép thô, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019; tiêu thụ trên 3 triệu tấn thép xây dựng thành phẩm, tăng 23,7% so với cùng kỳ.
Trong 11 tháng đầu năm 2020, Hòa Phát xuất khẩu 480.000 tấn thép xây dựng thành phẩm, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu thép xây dựng của Công ty gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada, Australia, Campuchia, Lào, Malaysia, Đài Loan, Indonesia, Ghana. Ngoài ra, Hòa Phát còn xuất khẩu gần 1,6 triệu tấn phôi vuông để sản xuất thép xây dựng.
Lãnh đạo Công ty cho biết, thời gian qua, Hòa Phát ưu tiên sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Do vậy, thành phẩm thép xây dựng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Nếu có nhiều sản phẩm hơn, sản lượng bán hàng thép xây dựng của Công ty trong tháng 11 có thể cao hơn mức kỷ lục đạt được trong tháng 9/2020.
Sức ép hoạt động thu nợ
Những tín hiệu lạc quan là vậy, song sự bùng nổ nhanh về doanh số và lưu lượng hàng hóa thường đi kèm với những yêu cầu khó khăn hơn trong kiểm soát các hoạt động tài chính.
Sự bùng nổ nhanh về doanh số và lưu lượng hàng hóa thường đi kèm với những yêu cầu khó khăn hơn trong kiểm soát các hoạt động tài chính.
Hiện tại, rủi ro thu nợ chưa xuất hiện rõ ràng trong báo cáo tài chính của Hòa Phát. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho của Công ty tại thời điểm cuối tháng 9/2020 là khoảng 38,5 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với mức hơn 37,1 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm.
Song việc kiểm soát rủi ro thu nợ trong bối cảnh doanh số bán hàng tăng đang là thách thức cho Hòa Phát. Hiện có những khoản chưa đến thời hạn, nên chưa trích lập dự phòng. Nhưng khi lưu lượng bán hàng tăng nhanh, thì Công ty phải chấp nhận tăng quy mô các khoản hàng phải cho khách nợ tiền, dẫn đến việc đòi nợ trở nên bận rộn hơn, nếu không kiểm soát chặt chẽ, việc phát sinh nợ quá hạn rất dễ gia tăng.
Thực tế, áp lực đối với Hòa Phát cũng gia tăng trong việc theo dõi công nợ. Điều đó được thể hiện ở con số các khoản phải thu ngắn hạn của Công ty đang tăng tốc rất nhanh. Số dư tại ngày 30/9/2020 đã tăng tới 63,7% so với đầu năm. Riêng phải thu ngắn hạn của khách hàng trong giai đoạn này cũng tăng tới hơn 50%.
Số dư các khoản phải thu tăng lên đồng nghĩa với việc Hòa Phát phải chấp nhận bị khách hàng chiếm dụng vốn nhiều hơn. Điều này tuy phù hợp với sự gia tăng doanh số, nhưng ít nhiều cũng khiến Công ty phải tăng vay tài chính để “nuôi” phần vốn bị khách hàng chiếm dụng. Các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn có mức tăng 42,5% trong 9 tháng đầu năm, chi phí lãi vay theo đó đã tăng 137% so với cùng kỳ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận