"Tân binh" sàn HoSE kiếm hơn 450 tỷ đồng doanh thu mỗi tháng
Sau khi "chuyển nhà" sang HoSE, Gỗ An Cường có doanh thu thuần trong quý IV đạt 1.384 tỷ đồng, đây là mức tăng cao nhất trong 11 quý trở lại đây của công ty.
Trong quý, mặc dù biên độ tăng của giá vốn hàng bán là hơn 20% nhưng lợi nhuận gộp vẫn tăng mạnh 47% lên 430 tỷ đồng.
Ngoài ra, các khoản chi phí trong quý của Gỗ An Cường cũng ghi nhận phát sinh mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng gần 71% đạt mức 104,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính đạt 26 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 67 tỷ đồng, tăng lần lượt 337% và 147% so với cùng kỳ.
Sau khi cấn trừ các chi phí, Gỗ An Cường báo lãi 107 tỷ đồng, tăng 10% so với quý IV năm 2021. Theo giải trình từ phía công ty, biến động lợi nhuận trên do công ty đã điều chỉnh chiến lược bán hàng đẩy mạnh mở rộng chuỗi phân phối và tiếp tục thực hiện các giải pháp tối ưu hóa hoạt động sản xuất.
Luỹ kế năm 2022, doanh thu thuần của Gỗ An Cường đạt 4.475 tỷ đồng, tăng 35%. Sau thuế, công ty thu về khoản lãi 615 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Kết quả trên đã giúp Gỗ An Cường hoàn thành mục tiêu doanh thu, lợi nhuận đề ra năm 2022. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của công ty.
Bên cạnh đó, mặc dù lãi tiền gửi giảm nhẹ nhưng doanh thu từ hoạt động tài chính trong năm của Gỗ An Cường tăng đáng kể, từ 154 tỷ đồng đầu năm lên 175 tỷ đồng. Đồng thời, công ty thu về khoản cổ tức gần 9 tỷ đồng và lãi cho vay hơn 2,47 tỷ đồng trong khi năm 2021 không ghi nhận.
Thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Gỗ An Cường là 5.467 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Về tài sản ngắn hạn, Gỗ An Cường ghi nhận khoản tăng gấp 4 lần, tăng từ 99 tỷ đồng tại đầu kỳ lên 387 tỷ đồng tại cuối kỳ. Chỉ số hàng tồn kho đến cuối năm 2022 của công ty đạt 1.466 tỷ đồng, tăng nhẹ 6%.
Ngoài ra, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Gỗ An Cường ghi nhận mức tăng 123%, tăng chủ yếu đến từ khoản đầu tư liên kết 401 tỷ đồng trong khi đầu năm không ghi nhận.
Thông tin về các khoản nợ của Gỗ An Cường, dư nợ đến cuối năm 2022 là 1.555 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm với nợ ngắn hạn chiếm đến 99% cơ cấu. Cụ thể, hiện Gỗ An Cường đang có 5 khoản vay ngắn hạn với tổng trị giá 813 tỷ đồng tại 3 ngân hàng: Vietcombank, Shinhan Việt Nam và Vietinbank.
Gỗ An Cường có 3 cổ đông lớn, là: Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam với tỉ lệ sở hữu 50%; Sumitomo Forestry Ltd và Quỹ đầu tư Whitlam Holding Pte Ltd đại diện cho liên doanh VinaCapital - DEG sở hữu lần lượt là 18,06% và 19,6%.
Tại một diễn biến khác, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) đã có quyết định chấp thuận niêm yết của Công ty Cổ phần Gỗ An Cường. Theo đó, mã chứng khoán của công ty vẫn giữ nguyên là ACG. Giao dịch đầu tiên trên sàn HoSE sẽ được thực hiện vào ngày 10/10 với mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 67.300 đồng/cổ phiếu.
Chốt phiên giao dịch ngày 30/1, cổ phiếu ACG có giá 43.000/cổ phiếu, giảm 41,9% so với thị giá ngày đầu giao dịch trên sản HoSE.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận