menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Phong

Tâm điểm chứng khoán: Kịch bản sau cú nổ lịch sử thanh khoản và điểm số

Theo chuyên gia, thị trường cuối năm nhận được nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ, tiếp tục thu hút dòng tiền mới từ nhà đầu tư F0...

Tuần giao dịch đầu tháng 11 đánh dấu nhiều mốc lịch sử trên thị trường chứng khoán Việt nam với VN-Index chinh phục mức cao nhất hơn 20 năm, thanh khoản thiết lập mức chưa từng có với hơn 2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, sau nới lỏng giãn cách xã hội, dòng tiền F0 tiếp tục gia tăng mạnh mẽ với lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10…

Sau dấu mốc lịch sử về điểm số và thanh khoản, thị trường sẽ diễn biến ra sao trong tuần này? Xu hướng của dòng tiền mới liệu có được tiếp tục duy trì trong thời gian tới hay không và điều này sẽ có tác động như thế nào đến thị trường?

BizLIVE ghi nhận ý kiến của các chuyên gia xoay quanh những mối quan tâm trên của nhà đầu tư.

DÒNG TIỀN F0 ĐỔ VÀO THỊ TRƯỜNG SẼ CÒN LỚN

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam

Thị trường lập đỉnh là cách thị trường nói chung và nhà đầu tư nói riêng phản ứng tích cực theo những gì họ đang cảm nhận, thấy được, nghe được.

Cụ thể, thứ nhất là thông tin về gói kích cầu đổ vào nền kinh tế của các bộ ngành đề xuất. Đây được thông tin là một gói lớn nhất chưa từng có trong tiền lệ, dĩ nhiên trong bối cảnh dịch bệnh nhưng với gói này sẽ thúc đẩy nền kinh tế, giúp doanh nghiệp một phần phục hồi. Đây là yếu tố khiến tâm lý nhà đầu tư phấn khích, yên tâm, đặt niềm tin vào tương lai.

Xa hơn, Mỹ vừa thông qua một gói kích cầu 1.200 tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp nước này. Đây là yếu tố ngoại vi nhưng cũng mang tâm lý tích cực cho nhà đầu tư trong nước. Vì với lượng tiền này bơm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân Mỹ nhưng rõ ràng, đồng tiền đó bằng cách này cách khác cũng chảy vào thị trường tài chính, những nước như chúng ta cũng hưởng lợi gián tiếp. Mỹ là một thị trường có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, khi kinh tế Mỹ phục hồi tạo dựng niềm tin với nhà đầu tư Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu hàng vào Mỹ.

Hai cơ sở lớn trên giúp nhà đầu tư mạnh dạn giải ngân vào thị trường, đẩy thanh khoản tăng cao lên mức kỷ lục.

Ngoài ra, một số yếu tố khác như đầu tư công, tình hình kiểm soát dịch bệnh, thông tin dự kiến mở đường bay thương mại quốc tế…

Thống kê cho thấy, tiền mặt nằm chờ ở các CTCK tương đương khoảng 90.000 tỷ đồng, chưa kể tiền CTCK tăng vốn, huy động thêm từ tập đoàn mẹ ở công ty có vốn nước ngoài hoặc các công ty trong nước phát hành trái phiếu để huy động thêm để bổ sung cho vay margin. Tổng lượng tiền đổ vào thị trường có thể dao động 100.000 tới 150.000 tỷ đồng. Với dòng tiền mạnh như vậy. Khối ngoại cũng bắt đầu quay lại mua ròng, tuần rồi những phiên chuyển sang mua ròng.

Vừa thông tin tích cực, tâm lý phẩn khởi, dòng tiền thật từ trong nước và NĐTNN tăng lên đã giúp VN-Index chinh phục đỉnh cao mới, thanh khoản tăng lên cao là hợp lý.

Về F0, chắc chắn dòng tiền đổ vào thị trường sẽ còn lớn. Như đã đề cập, thống kê sơ bộ có khoảng 90.000 tỷ đồng tiền mặt đang nằm sẵn trong các CTCK. Với lượng mở mới tiếp tục trong những tháng cuối năm thì lượng tiền đổ vào thị trường sẽ khoảng vài chục nghìn tỷ đồng. Với dòng tiền hoàn toàn mới và tích cực là điều tốt cho thị trường, cho những nhà đầu tư đang tham gia trên thị trường.

Về gói kích thích kinh tế, nói một cách chuyên sâu gói này sẽ hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp rất nhiều. Việc của Chính phủ không phải tung gói gì làm cho thị trường chứng khoán tăng hay giảm mà kỳ vọng Chính phủ tung gói kích cầu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân, cuối cùng là hỗ trợ nền kinh tế. Cho nên thông tin về việc Chính phủ cân nhắc con số 800.000 tỷ hay con số nào khác thì cũng là tốt, còn hơn là không có.

Thông tin quy mô gói này nếu không được ở mức 800.000 tỷ thì giảm nhiệt, giảm tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư, vì họ có thể hơi hụt hẫng, có thể gây ra phản ứng tiêu cực nhẹ, họ khựng lại nhưng không là yếu tố làm cho thị trường chao đảo hay sụp đổ. Tôi nghĩ mang yếu tố tâm lý ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn sẽ tiếp tục, họ sẽ nhìn cụ thể vào doanh nghiệp, kết quả kinh doanh sau khi giãn cách, giao thương có phục hồi không, nếu có thì họ vẫn đầu tư trong giai đoạn sắp tới.

Nếu nói về thị trường cuối năm, tôi cho rằng là tích cực. Vì quý 4, thị trường khởi động, giao thương, sản xuất kinh doanh phục hồi thì kết quả kinh doanh quý 4 tốt hơn giai đoạn vừa rồi, đủ cơ sở cho nhà đầu tư mạnh tay giải ngân. Với đà chạy như vậy, bước qua 2022 họ có niềm tin tốt hơn. Tôi nghĩ cuối năm vẫn tốt.

Ở nhóm ngành hấp dẫn cấp 1, thứ nhất là ngành thép, gói kích cầu và đầu tư công sẽ đổ vào nguyên vật liệu xây dựng. Đầu tư công là điện đường trường trạm, cảng (biển, hàng không)… đều cần sắt thép. Và sau giãn cách thì ngành bất động sản bắt đầu trở lại, cần vật liệu để xây dựng.

Thứ hai là ngành chứng khoán, trong suốt 2 năm qua thanh khoản thị trường ngày càng tăng, đã có phiên lên tới hơn 2 tỷ USD. Các công ty chứng khoán theo đó hưởng lợi về doanh thu phí, lãi margin… biên lợi nhuận sẽ lớn.

Thứ ba là ngành bất động sản khu công nghiệp. Nguyên năm 2021 dù nói nhiều về lót ổ đón “đại bàng” nhưng thực tế “đại bàng” chưa bay qua được. Nếu đầu tháng 12 mở lại đường bay thương mại quốc tế, nếu không cần cách ly thì nhiều “đại bàng, chim ó, chim én” sẽ qua. Những dự kiến kế hoạch doanh thu, lợi nhuận của các công ty bất động sản khu công nghiệp cho thuê sẽ thực sự hiện thực hóa được. Có thể từ trước giờ họ email, đặc cọc giữ chỗ nhưng chưa giải ngân tiền nhiều vì chưa qua được để xem thực tế. Nên nếu thời gian tới họ qua được thì tiền đổ về nhiều, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn.

Thứ tư có thể là ngành bất động sản dân dụng. Qua quá trình không đầu tư đâu được, bị đè nén. Văn hóa Việt Nam đầu tư nhà đất vẫn là hấp dẫn. Ngành bất động sản dân dụng sẽ thu hút vì thời gian qua bị đè nén nhiều. Bây giờ có lại thì sẽ phục hồi. Đặc biệt là những công ty đàng hoàng, làm ăn nghiêm túc. Tôi tin ngành này sẽ hồi phục.

Những ngành hấp dẫn cấp 2 là ngân hàng. Nguyên năm 2020 ngành này hưởng lợi, bùng nổ. Qua thời bùng nổ thì phải giảm nhiệt. Qua thời giãn cách sinh ra tình hình nợ xấu, đặc biệt khách lớn là bất động sản. Vấn đề nợ xấu đến từ bất động sản thực tế là có, biên lợi nhuận ngân hàng không còn hấp dẫn như trước, không còn là cổ phiếu hot ở dòng cấp 1 nêu trên. Nhưng với nền kinh tế hồi phục, mọi thứ trở lại bình thường thì ngành ngân hàng vẫn phát huy vai trò, thế mạnh của mình nên tôi cho là vẫn là cổ phiếu đáng quan tâm.

Dòng cấp 2 còn có dầu khí, vì các vấn đề địa chính trị, tranh chấp các quốc gia có mỏ dầu khí, giữ hoặc đẩy giá dầu tăng tiếp nhứng không quá rõ ràng, kéo dài.

Ngành nữa là may mặc. Khi nền kinh tế toàn thế giới hồi phục, dịch được kiểm soát, giao thương mở lại thì người ta mua sắm trang phục, dĩ nhiên không bùng nổ như trước.

THỊ TRƯỜNG DÙ TĂNG NHƯNG CHƯA QUÁ NÓNG

Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoán Everest

Tuần qua, thị trường giao dịch bùng nổ nhờ thông tin gói kích thích kinh tế tạo sự phấn khởi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, từ giờ đến cuối năm, câu chuyện đầu tư công mới thực sự cần được quan tâm bởi nền kinh tế cần được thúc đẩy, tạo ra công ăn việc làm sau giai đoạn đình trệ do dịch bệnh.

Theo tôi, từ giờ tới cuối năm, đầu tư hoàn tư công khó có thể hoàn thành 100% kế hoạch nhưng đâu đó có thể đạt 90% cũng là rất thành công. Các tỉnh phía Nam và TP.HCM đã khống chế một phần tình hình lây nhiễm COVID-19 trong khi Chính phủ và các bộ ban ngành đang đẩy nhanh việc giải ngân vào các công trình trong điểm như sân bay Long Thành, dự án metro, cao tốc miền Tây…

Về gói kích thích kinh tế, hiện chi tiết về giá trị, thời gian vẫn đang trong quá trình thảo luận chưa có công bố chính thức. Nhà đầu tư phản ứng như tuần vừa qua theo tôi là hoàn toàn bình thường bởi khi thị trường lên vùng 1.300-1400 điểm, lượng tiền mặt cao trên tài khoản nhà đầu tư cho thấy họ vẫn đứng ngoài. Họ đợi chờ các thông tin vĩ mô để "nhảy" vào thị trường.

Thị trường dù tăng nhưng chưa hề quá nóng khi nhiều cổ phiếu trong VN30 thực tế là chưa tăng thậm chí còn giảm nhẹ. Nhóm ngân hàng cũng chưa trở lại đỉnh tháng 6 nhưng cũng có phiên hút tiền mạnh.

Kể cả trong trường hợp chi tiết về thời gian, giá trị gói kích thích không lớn như dự tính 800.000 tỷ đồng thì tâm lý cũng sẽ không quá thất vọng. Việc rút tiền có thể xảy ra nhưng cũng không đáng ngại sau các biến động vừa qua.

Thời gian qua, niêm yết mới chủ yếu đến từ khu vực tư nhân, từ việc chuyển sàn của các doanh nghiệp như ngân hàng, bảo hiểm. Hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn, IPO các tập đoàn diễn ra khá chậm chạp. Theo tôi, nhà nước cần tận dụng sự thuận lợi của thị trường chứng khoán để chọn thời điểm thoái vốn, IPO các tập đoàn.

Tính đến nay, khối ngoại đã bán ròng khoảng 50.000 tỷ đồng là năm bán ròng mạnh nhất trong lịch sử tham gia thị trường. Các thương vụ lớn đến từ nhóm private equity như KKR, GIC khi các tổ chức này đến thời gian phải rút vốn. Còn dòng tiền từ quỹ như ETF, Mutual Fund theo tôi có thể phải chờ sang năm tới. Hiện dòng vốn ngoại đã hút ròng trở lại ở Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines nên thị trường Việt Nam sẽ có độ trễ một chút. Mấu chốt vẫn phải là sớm ổn định vĩ mô, tiêm phủ vaccine thì các quỹ sẽ đánh giá tích cực và bơm ròng trở lại thị trường.

Theo tôi, nhóm bất động sản đã tăng quá nhanh thời gian qua nhưng đây vẫn là nhóm ngành sẽ hưởng lợi từ nay tới năm sau. Kết quả quý 4 và câu chuyện đầu tư công vẫn đem lại sự tích cực cho các cổ phiếu bất động sản.

Cùng với đó là nhóm tiêu dùng, bán lẻ sẽ hưởng lợi khi nền kinh tế phục hồi sức mua. Các tháng cuối năm là mùa lễ hội, mùa mua sắm nên một số cổ phiếu vẫn sẽ tích cực.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng có thể chỉ là sự lựa chọn an toàn nhưng khó có thể dẫn sóng thị trường vào lúc này.

TIỀN ĐỀ ĐỂ DÒNG TIỀN MỚI TIẾP TỤC THAM GIA

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội

Tôi cho rằng trong bối cảnh thị trường vượt đỉnh, các cổ phiếu đều đã có một giai đoạn tăng giá khá mạnh cùng với đó việc căng nguồn margin tại các công ty chứng khoán dẫn đến áp lực bán trên thị trường khá lớn.

Tuy nhiên, việc dòng tiền mới liên tục được bơm vào thị trường cho thấy khi áp lực cùng tăng lên thì sẽ ngay lập tức có dòng tiền vào bắt đáy tạo nên những phiên thanh khoản 2,2 tỷ USD.

Với việc dòng tiền giai đoạn hiện tại rất mạnh, dòng tiền luân chuyển tốt qua các nhóm cổ phiếu thì lượng hàng T+3 về sẽ được hấp thụ tốt, nhiều khả năng VN-Index phiên thứ 2 sẽ tiếp tục hướng về mốc 1.475 điểm.

Thị trường tăng lên ngưỡng quanh 1.475 điểm sau đó sẽ điều chỉnh test lại đỉnh cũ quanh 1.420 điểm sau đó có tăng lên ngưỡng 1.520 điểm hoặc 1.540 điểm sẽ có điều chỉnh. Nếu thị trường vượt 1.500 điểm thì nhịp điều chỉnh khả năng cao chỉ để test lại 1.500 rồi sẽ lên tiếp, kịch bản tăng mạnh rất có thể sẽ xảy ra.

Việc số lượng tài khoản mở mới tăng liên tục, là cơ hội tốt để thu hút dòng tiền bền vững, thị trường vượt đỉnh là tâm điểm thu hút mọi sự chú ý của người dân điều đó thể hiện rõ ở số lượng tài khoản mở mới tiếp tục gia tăng so với giai đoạn trước đó tháng 10 đạt gần 130.000 tài khoản mở mới và thời gian tới khả năng tiếp tục duy trì ở mức cao tạo tiền đề dòng tiền mới tiếp tục tham gia thị trường. Thêm vào đó là nhiều nhà đầu tư cũ sẽ tiếp tục tham gia thị trường với nguồn vốn lớn hơn giai đoạn trước đó khi cơ hội gia tăng lợi nhuận đang nhiều và khá dễ dàng.

Thị trường trong giai đoạn tăng nóng việc tập trung dòng tiền vào midcap và penny là điều dễ hiểu khi mà các công ty chứng khoán đều đã căng nguồn, các cổ phiếu có thị giá vừa và nhỏ sẽ giúp nhà đầu tư dễ tiếp cận thị trường. Do các cổ phiếu vốn hóa lớn đã có một chu kỳ tăng mạnh nên giai đoạn này dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa và luân chuyển qua các mã. Việc dòng tiền luân chuyển sẽ giúp cho thị trường tăng một cách bền vững.

Nhóm ngân hàng đã tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, với việc các ngân hàng đang mạnh tay trích lập dự phòng và tái cơ cấu nợ, thì đây là thời điểm thích hợp để thị giá của các cổ phiếu ngân hàng được đưa về giá trị thực. Tôi cho rằng thời điểm cuối quý 4 và đầu năm 2022 thì nhóm ngân hàng mới có thể sôi động trở lại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

1,273.11

+4.33 (+0.34%)

Biểu đồ mã VN-INDEX

VN 30

VN 30

Xem PTKT

1,047.71

+0.72 (+0.07%)

Biểu đồ mã VN 30
Xem thêm Xem thêm
3 Yêu thích
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại