Tài sản của giới tỉ phú Trung Quốc giảm mạnh chưa từng thấy
Trong năm qua, giới tỉ phú Trung Quốc đã chứng kiến tổng giá trị tài sản của họ sụt giảm với tốc độ mạnh chưa từng thấy kể từ khi dữ liệu được theo dõi. Nguyên nhân là do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm, thị trường chứng khoán lao dốc, bất động sản lún sâu vào vòng xoáy suy thoái và chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghệ của Bắc Kinh.
Hai danh sách xếp hạng những người giàu nhất Trung Quốc của tạp chí Forbes (Mỹ) và Viện Nghiên cứu Hồ Nhuận (Hurun) của Trung Quốc được công bố trong tuần này đều cho thấy tài sản của họ suy giảm mạnh.
Hôm 10-11, Forbes cho biết 100 người giàu nhất Trung Quốc đã chứng kiến tổng giá trị tài sản giảm từ 1.480 tỉ đô la Mỹ hồi năm ngoái, xuống còn 907,1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022 (tính đến nay). Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi Forbes bắt đầu theo dõi những người giàu nhất nước này hơn hai thập niên trước.
Viện Nghiên cứu Hồ Nhuận cũng đưa ra bảng xếp hạng tương tự vào hôm 8-11, ghi nhận số lượng tỉ phú Trung Quốc đã giảm xuống còn 946 người, ít hơn 239 người so với một năm trước.
Báo cáo của Forbes cho biết, sự kết hợp của nhiều yếu tố bất lợi đã góp phần làm giảm vận may trong giới tài phiệt Trung Quốc. Đó là, sự tăng trưởng chậm lại đáng kinh ngạc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một phần do tác động của chính sách zero-Covid, cũng như đà lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, cơn suy thoái của thị trường nhà ở và chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghệ.
Sự sụt giảm tài sản nhanh chóng của giới tỉ phú Trung Quốc cũng diễn ra sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy “thịnh vượng chung”, một chương trình nghị sự chính trị nhằm giảm bất bình đẳng thông qua các chính sách phân phối của cải và phúc lợi.
Chủ tịch Tập Cận Bình, người vừa được bầu làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba tại Đại hội Đảng lần thứ 20 trong tháng trước, khẳng định thịnh vượng chung sẽ là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của đất nước trong 15 năm tới.
Các công ty lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm Alibaba và Tencent đã phải thay đổi chiến lược hoặc cam kết tài trợ cho các chương trình trách nhiệm xã hội phù hợp với chính sách thịnh vượng chung.
Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đã mất hơn 20% giá trị trong năm qua trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm hơn 35%.
Các tác động trên toàn cầu cũng góp phần làm hao hụt của cải của giới tỉ phú Trung Quốc, bao gồm cả tác động kinh tế từ cuộc chiến Nga-Ukraine và đà phục hồi tăng trưởng chậm lại của thế giới sau đại dịch Covid-19.
“Năm vừa qua là một trong những năm khó khăn nhất của Trung Quốc trong những thập niên gần đây và sự sụt giảm giá trị tài sản tổng thể của 100 người giàu nhất trong danh sách của chúng tôi là rất lớn theo bất kỳ thước đo nào”, Russell Flannery, biên tập viên phụ trách danh sách xếp hạng 100 người giàu nhất Trung Quốc của Forbes nói.
Zhong Shanshan, Chủ tịch Nongfu Spring Co., nhà cung cấp nước đóng chai lớn nhất Trung Quốc, giữ vị trí số 1 trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc. Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của ông đã giảm 5% so với một năm trước xuống còn 62,3 tỉ đô la Mỹ. Tạp chí này cho biết, ông trùm ngành nước uống đóng chai này chỉ bị sụt giảm tài sản ở mức độ nhẹ nhờ khoản đầu tư của ông vào một công ty sản xuất bộ xét nghiệm Covid-19.
Zhang Yiming, người sáng lập ByteDance, chủ sở hữu TikTok, là người giàu thứ hai Trung Quốc, với tài sản trị giá 49,5 tỉ đô la Mỹ, giảm 9,9 tỉ đô la Mỹ so với năm ngoái, Forbes cho biết. Đứng thứ 3 là Robin Zeng, Chủ tịch hãng pin khổng lồ Contemporary Amperex Technology Co., với khối tài sản trị giá 28,9 ti đô la Mỹ, giảm 43% so với năm ngoái.
Các tỉ phú nổi tiếng khác cũng bị hao hụt tài sản ở mức tương tự. Pony Ma, Giám đốc điều hành Tencent Holdings, chứng kiến giá trị tài sản ròng giảm hơn một nửa, xuống còn 23,4 tỉ đô la Mỹ. Tencent đã phải vật lộn với tình trạng doanh thu quảng cáo tăng chậm lại và sự suy giảm của mảng kinh doanh trò chơi điện tử do các quy định quản lý chặt chẽ hơn của chính phủ.
Tài sản của nhà sáng lập Alibaba Group Jack Ma đã giảm gần một nửa, xuống còn 20,6 tỉ đô la Mỹ do cổ phiếu của Alibaba mất giá hơn 60%, Forbes cho biết. Ông Ma gần đây đã trở thành mục tiêu của chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghệ, dường như nhằm làm giảm quyền lực và sự chi phối của các công ty trong đế chế kinh doanh của ông.
Forbes cho biết, chỉ có hai trong số 100 tỉ phú giàu nhất Trung Quốc ghi nhận của cải tăng lên và cả hai đều hoạt động trong lĩnh vực thiết bị năng lượng mặt trời. Đó là Jin Baofang, người sáng lập JA Solar Technology và Gao Jifan, Giám đốc điều hành Trina Solar.
Người sáng lập thương hiệu thời trang Shein, Chris Xu, là thành viên mới của danh sách 100 tỉ phú giàu nhất Trung Quốc, với tài sản ròng ước tính khoảng 10 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, Hui Ka Yan, Chủ tịch Tập đoàn đoàn bất động sản Evergrande đã bị loại khỏi danh sách này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận